Tết không thể thiếu hoa đào

10:18 - Thứ Bảy, 06/02/2021 Lượt xem: 8406 In bài viết

ĐBP - Tết không thể thiếu hoa đào. Bởi hoa đào là biểu tượng của mùa xuân ở miền Bắc. Cậu em tôi sinh ra, trưởng thành từ vùng đất chuyên trồng và kinh doanh cây cảnh chia sẻ về thú chơi hoa và cây cảnh của người miền Bắc bảo vậy. Cũng bởi lý do đó, người trồng và kinh doanh hoa tết luôn chú trọng hoa đào.

Khách hàng chọn mua cành đào phai trên đường Nguyễn Hữu Thọ (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: CHÂU LINH

Thú chơi hoa đào cũng lắm công phu. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, người dân đã chuyển từ chế độ “ăn tết” (từ ăn no, mặc ấm; ăn ngon, mặc đẹp) sang “chơi tết”. Ðã có sự chuyển dịch lựa chọn những thứ đẹp và độc để chơi tết. Như người vùng cao, trong vườn sẵn hoa mơ, hoa mận; qua nhà hàng xóm có thể xin được cành đào phai nhưng cũng sắm thêm cây quất và cây đào Nhật Tân (dù là trồng trên đất Ðiện Biên) cho lạ mắt. Còn người phố thị lại chọn những thứ gắn mác “rừng”. Những thứ gắn mác “rừng” đã trở thành độc và lạ. Như đào phai, mận, mai rừng, lê, trạng nguyên… Chúng được chọn bởi mỗi cây, mỗi cành mọc trong điều kiện tự nhiên có dáng, có thế chẳng giống nhau. Cũng bởi thế, nên có chuyện hoa đào, cây quất, lan hồ điệp từ phố về rừng còn đào rừng từ Tây Bắc ùn ùn về xuôi. Những năm trước, có gốc đào cổ thụ chuyển về xuôi được “hét” giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Cành đào rừng cũng có giá hơn đào trồng. Vì thế đã có thời điểm đào rừng đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Ðến mức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải cấm, ông nói “ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm”. Yêu cầu cấm việc chặt phá cây đào cùng các loại cây khác của rừng, nhất là từ núi rừng Tây Bắc về Hà Nội của Chính phủ được rất nhiều người đồng tình. Cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, nhiều địa phương như: Sơn La, Lào Cai và cả Ðiện Biên đã có những hướng dẫn cụ thể về việc cấm chặt phá đào rừng. Song cũng có những cây gọi là đào rừng nhưng thực chất trồng trên nương canh tác, trong vườn nhà của người dân vùng cao nên đào rừng sống trong rừng thì cấm, còn đào rừng sống trong vườn, trong nương hay là hàng rào quanh nhà thì được bán. Tỉnh Sơn La đã hiện thực hóa việc truy xuất, gắn nhãn đào rừng do dân trồng. Nhiều người cho rằng đây là ý tưởng hay song liệu có ngăn được việc một số người trà trộn đào rừng mọc tự nhiên gắn mác đào trồng để thu lợi?!

Tết mà không có hoa đào thì đâu phải là tết. Thú chơi hoa đào dịp tết đã trở thành phong tục truyền thống. Vậy thì chơi đào rừng hay đào nhà, đào phai hay bích đào? Có dịp trò chuyện cùng một người nhiều năm chơi đào rừng, anh cho rằng đã đến lúc phải thay đổi thói quen chơi đào. Bởi lẽ phải là cây đào phai có thế lạ và độc: Thế cây là thân cây rêu mốc, trên cành có cả hoa, lộc và quả non… Những cành đào như thế phải sống trong điều kiện tự nhiên nhiều năm, nhựa cây để nuôi cành không đều nhau mới có thể cho cả hoa, quả và lộc non trong cùng thời điểm. Giống đào phai mà trồng ít năm lại cắt cành sớm dễ chột nụ, hoa không đều, chưa kể thế cành chưa đẹp. Ngay cả với đào trồng trong vườn, qua mỗi đợt cắt cành cũng phải mất từ 3 đến 5 năm mới có lứa cành mới để cắt. Như vậy, nếu trồng đào phai để kinh doanh hiệu quả sẽ không bằng trồng loại cây khác. Vậy nên, thay vì lãng phí tiền mua những gốc đào rừng tự nhiên chỉ để trưng cho “độc” ở mỗi nhà mình rồi bỏ thì nên chăng chuyển sang thuê cây đào, chơi xong tết lại nhờ người chăm sóc hộ. Muốn ngắm đào… xin lên rừng mà ngắm. Ðược như vậy, người trồng đào có thêm thu nhập, quang cảnh tự nhiên của núi rừng được gìn giữ tạo điều kiện cho du lịch sinh thái phát triển.

CHÍ NGHĨA
Bình luận
Back To Top