Góc nhìn – Tiêu điểm

Danh hiệu văn hóa cần thực chất

09:32 - Thứ Bảy, 16/10/2021 Lượt xem: 4359 In bài viết

ĐBP - Công nhân một trạm cấp nước sạch cứ chiều tối hàng ngày lại mang chổi, xẻng, vòi nước ra quét dọn, rửa đoạn đường dẫn vào trạm. Lý do là sau một ngày chăn thả, đàn gia súc của bản mà trạm cấp nước đứng chân, được chủ nuôi lùa về nhà phóng uế ra đường. Không riêng đoạn đường dẫn vào trạm cấp nước, nhiều đoạn đường nội bản cũng vậy. Dù là đường nông thôn mới được bê tông hóa nhưng không sạch đẹp vì chất thải gia súc. Một số hộ dân đã nhiều lần có ý kiến về việc giữ gìn môi trường, cảnh quan khu dân cư sạch đẹp với các chức sắc của bản nhưng việc tuyên truyền vận động mấy chủ hộ chăn nuôi dường như không hiệu quả. Còn ý kiến trực tiếp với người đi chăn gia súc thì họ tỏ ra khó chịu và nói rằng: Con trâu nó quen “…” chỗ đấy rồi!

“Thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, đổ rác và chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định” là 1 trong 24 tiêu chí thuộc tiêu chuẩn của danh hiệu Gia đình văn hóa; “tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường” cũng là 1 trong 27 tiêu chí thuộc tiêu chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hóa (bao gồm thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương), được quy định tại Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.

Có thể khẳng định rằng, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh ta những năm qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhất là góp phần phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện phong trào cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó có hạn chế về cách thức xét tặng danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ; có nơi còn xuê xoa, “dĩ hòa vi quý”, thậm chí có nơi còn nặng “bệnh thành tích.”

Trường hợp nêu trên không hiếm trong thực tế. Việc xả rác, chất thải sinh hoạt, chăn nuôi, ý thức bảo vệ môi trường hạn chế xảy ra tại nhiều khu dân cư. Không chỉ tiêu chí môi trường mà nhiều tiêu chí khác, ở một số khu dân cư chưa đạt. Ví dụ có bản vẫn còn nhiều người nghiện ma túy, hay có tổ dân phố xảy ra mâu thuẫn do chất thải vật nuôi dẫn tới việc có người dùng dao chém hàng xóm…

Theo Báo cáo số 2383/BC-SVHTTDL, ngày 20/11/2020 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Kết quả triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2020 thì năm 2020 toàn tỉnh có 94.682 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm 71,3% tổng số gia đình) và 1.118 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố đạt văn hóa” (chiếm 77,6%).

Cơ bản những gia đình, khu dân cư theo số liệu báo cáo đều xứng đáng đạt tiêu chuẩn “văn hóa” song trong số đó sẽ có những trường hợp chưa xứng đáng. Quy định về các tiêu chí, tiêu chuẩn để bình xét, tôn vinh, khen thưởng đã rõ, điều quan trọng là quá trình triển khai thực hiện có hiệu quả, chặt chẽ? Làm sao để không còn sự dễ dãi, xuê xoa, chạy theo thành tích? Để danh hiệu “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa” là thực chất chứ không cào bằng. Bởi, cũng trong báo cáo nói trên, ngành chủ quản đã thẳng thắn đánh giá: Công tác triển khai thực hiện ở một số ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích; công tác phối hợp có lúc, có nơi chưa kịp thời!

Duy Bình
Bình luận
Back To Top