Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý văn hóa

08:17 - Thứ Năm, 06/01/2022 Lượt xem: 6903 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về văn hóa đạt nhiều kết quả quan trọng; góp phần khẳng định vị thế, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả quản lý văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong những năm tiếp theo...

Các trò chơi dân gian, phong tục tập quán được tái hiện trong các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ, tết, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Cùng với sự phát triển chung trên mọi lĩnh vực, sự nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mới. Đặc biệt là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng cao. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cơ sở ngày càng phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử được quan tâm, chú trọng. Cùng với đó, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực văn hóa được triển khai đồng bộ. Việc tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh có hiệu quả; quy mô hoạt động được mở rộng, hình thức đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được tổ chức rộng khắp, thu hút nhiều đối tượng, thành phần tham gia. Ngoài ra, trách nhiệm và nhận thức của người dân trong việc bảo vệ phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa truyền thống, môi trường sinh thái được nâng cao...

Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, song tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội Điện Biên vẫn tồn tại nhiều khó khăn chưa được giải quyết. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở còn nghèo về cả hình thức và nội dung, chưa thu hút được người dân tham gia. Mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật có sự chênh lệch khá lớn giữa vùng sâu, vùng xa với khu vực thị trấn, thị xã, thành phố. Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, song chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc còn khó khăn. Các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống tuy được khôi phục nhưng chưa nhiều. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê và nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả. Số công trình nghiên cứu sâu về văn hóa nghệ thuật còn khiêm tốn, chất lượng và giá trị chưa cao, nguồn kinh phí đầu tư và cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật chưa đáp ứng nhu cầu và sự cống hiến của nhà khoa học và người làm công tác nghiên cứu.

Quá trình triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở một số ngành, địa phương còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa còn thiếu và chưa đồng bộ; công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; cùng với đó vấn đề trình độ dân trí giữa các vùng miền, phong tục tập quán lạc hậu, các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp...

Với những tồn tại, hạn chế đó, vấn đề đặt ra là cần tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Để làm được điều đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Việc đầu tiên cần làm là nâng cao nhận thức của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, đổi mới tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Mọi người, mọi ngành phải xác định văn hóa thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị”. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động tối đa các nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư, chủ động phối hợp lồng ghép các nguồn vốn khác để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Cùng với đó là tập trung phát triển con người tỉnh Điện Biên toàn diện, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới. Phát triển văn hóa gắn phải với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa và khích lệ sự sáng tạo các giá trị văn hóa mới.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng rất cần chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các hoạt động văn hóa đối ngoại đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Đồng thời, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức quốc tế và chủ động, tích cực tổ chức các chương trình giao lưu quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người Điện Biên với nước bạn. Trong đó chú trọng tổ chức những ngày văn hóa, thể thao và du lịch tại một số tỉnh thành giáp Điện Biên của nước Trung Quốc và Lào. Ngoài ra, cũng cần chủ động xây dựng phương án ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong tình huống khẩn cấp. Các đơn vị thuộc Sở và đơn vị cơ sở chuẩn bị sẵn sàng các phương án, chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, khi điều kiện cho phép có thể triển khai ngay phục vụ nhân dân và du khách...

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top