Lễ Dù su của người Mông Điện Biên

14:15 - Thứ Hai, 29/08/2022 Lượt xem: 6131 In bài viết

ĐBP - Dân tộc Mông là một trong số 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Dân tộc Mông có nền văn hóa lâu đời, rất đa dạng với nhiều lễ hội dân gian truyền thống như: Gầu tào, Cúng rừng, Cơm mới, Dù su,… Trong các lễ hội dân gian đó, lễ hội Dù su (lễ hội dòng họ) là một nghi lễ quan trọng, không thể thiếu của đời sống văn hóa, tinh thần dân tộc Mông.

Lễ Dù su theo tiếng dân tộc Mông, “Dù” có nghĩa là nhốt, gói chặt; “su” có nghĩa là những điều rủi ro, đen đủi không may mắn. Lễ Dù su được hiểu đơn giản là lễ cúng giải hạn trong năm, nhằm nhốt lại những điều xấu, đen đủi và cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với cả dòng họ. Tùy thuộc vào quan niệm về ngày xấu, ngày đẹp của mỗi dòng họ ở địa phương sẽ chọn một ngày nhất định, thông thường lễ Dù su được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm.

Mỗi ngành Mông, mỗi dòng họ khác nhau sẽ có ngày tổ chức, cúng lễ và góp lễ khác nhau; nhà nào có điều kiện thì sẽ đứng ra tổ chức, luân phiên mỗi năm một nhà. Như họ Mùa tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), cả họ có 200 hộ với 919 nhân khẩu, hàng năm cứ đến ngày 27/7 âm lịch sẽ quy tụ người trong dòng họ về tổ chức lễ Dù su. Với ý nghĩa xua đuổi, chặt đứt những điều không may, vận rủi trong cuộc sống, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, thần linh đã che chở, phù hộ và cầu xin sự may mắn, thuận lợi đến với cá nhân, gia đình trong dòng họ, đây là dịp cả dòng họ sum họp sau một năm vất vả mưu sinh. Những người trong dòng họ gặp nhau cùng ôn lại truyền thống gia đình đồng thời chia sẻ những khó khăn, thành quả của các cá nhân trong dòng họ sau một năm vất vả lao động. Qua đó tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ giữa các thành viên trong dòng họ, cùng nhau vươn lên, vượt qua những khó khăn trắc trở trong cuộc sống.

Trước ngày cúng, bà con căng sơ đồ gia phả của dòng họ tại sân tổ chức lễ Dù su.
Chặt cây để buộc “su” (sự không may mắn, đen đủi) của mỗi hộ mang đến.
Canh ba gà gáy buổi lễ được bắt đầu, thầy cúng cầm thúng ngô trước đống lửa, miệng đọc văn tế, tay đảo hạt ngô nhằm tách (quét) những phần thừa (su) bám lấy hạt ngô.
Các bó chít được bó chặt bằng các sợi chỉ (dù su) của mỗi gia đình trong dòng họ.
Từ 3 giờ sáng, phụ nữ nấu nướng làm cơm phục vụ lễ Dù su
Sau 3 tiếng tách lấy phần lõi chít (su) sẽ được thầy cúng, người cao tuổi buộc chặt vào thân cây….
Cây buộc su được vác đến khu vực sân làm lễ.
Mọi người trong dòng họ tập trung tại sân làm lễ, thầy cúng vác cây đi xung quanh vừa đi vừa nói nhằm xua đuổi su (điềm xấu, sự không may mắn).
Chôn cây trước khu vực làm lễ.
Thầy cúng kéo chỉ xung quanh tạo thành một vòng bảo vệ những thành viên trong dòng họ rồi thu chỉ buộc vào bó chít (bó su) đang được cột chặt trên cây.
Khi văn tế vừa hết, mặt trời ló rạng, thầy cúng vung dao chặt đứt bó chít (su) và bắn tên lên trời đưa tiễn những thứ không may mắn cách xa các thành viên trong dòng họ.
Lễ Dù su kết thúc, thầy cúng và người bắn tên dùng dao và nỏ tạo thành cổng để các thành viên trong dòng họ đi qua, với mong muốn nhận sự che chở và cầu mong một năm thuận lợi, may mắn.

 

Trần Dũng
Bình luận

Tin khác

Back To Top