Xuân về trên những “cung giao thông”

00:00 - Thứ Sáu, 22/01/2016 Lượt xem: 2071 In bài viết
ĐBP - Cung giao thông - danh từ chỉ những trạm dành cho những cán bộ, công nhân viên, người lao động làm công tác bảo trì đường bộ, từ lâu đã tồn tại trong hoài niệm của nhiều người về những công nhân giao thông năm xưa. Trải qua những biến chuyển, đổi thay theo thời gian, những “cung giao thông” năm nào dần đổi thay về tên gọi và hình thức hoạt động để phù hợp với sự phát triển của hệ thống giao thông vùng Tây Bắc.

Nói về công tác bảo trì đường bộ trong năm 2015 và hoạt động của các cung giao thông trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Theo Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 của Chính phủ quy định việc “quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” thì tên gọi chính xác của “cung giao thông” hiện nay là: Nhà hạt quản lý đường bộ, thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện nay, có tổng cộng 13 Nhà hạt quản lý đường bộ thuộc các tuyến quốc lộ 6 (3 Nhà hạt), quốc lộ 12 (4 Nhà hạt) và quốc lộ 4H (6 Nhà hạt) do Sở Giao thông - Vận tải quản lý. Riêng quốc lộ 279, các nhà hạt thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Đường bộ 226.

Công tác quản lý, bảo trì đường bộ năm 2015 được quan tâm đặc biệt nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong mọi tình huống. Tổng giá trị công tác quản lý, bảo trì năm 2015 là trên 282 tỷ đồng, đạt 132% kế hoạch giao. Với đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, thời tiết trong năm diễn biến phức tạp… Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo các Nhà hạt quản lý đường bộ phối hợp với các nhà thầu đang thi công trên các tuyến quốc lộ xây dựng phương án và thực hiện các biện pháp nhằm chủ động, kịp thời khắc phục hư hỏng do thiên tai gây ra. Với sự nỗ lực của cả hệ thống quản lý, bảo trì đường bộ, trên các tuyến đã không để xảy ra tình trạng ách tắc giao thông kéo dài. Trong đó, khối lượng đào đắp khắc phục sạt lở gần 1,1 triệu m3, kè 6.450 rọ thép; thông cầu, cống thượng, hạ lưu khối lượng trên 34.000m3, tổng kinh phí 87 tỷ đồng. Về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, ngành đã chủ động phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện kiểm đếm các vị trí vi phạm hành lang an toàn đường bộ tại 33/42 xã có các tuyến quốc lộ đi qua. Đồng thời ký hợp đồng với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các công ty quản lý đường bộ với tổng giá trị hợp đồng hơn 1,9 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay trước mùa mưa lũ, tuyến quốc lộ 6 thuộc địa phận tỉnh Điện Biên sau nhiều năm hư hỏng, xuống cấp và được ví như “cung đường bị quên lãng” dài 93km (từ Km408 đến Km501) nối huyện Tuần Giáo - TX. Mường Lay đã được thi công sửa chữa, cải tạo nền mặt đường và hoàn thành trong tháng 7/2015. Dự án được đưa vào khai thác, sử dụng đảm bảo tiến độ, chất lượng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Công ty Cổ phần Đường bộ 226 là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì 193Km đường trên hai tuyến quốc lộ gồm: Quốc lộ 6, đoạn từ Km316+815 đến Km383+207 và đoạn tuyến quốc lộ 6 cũ (tuyến mới tránh đèo Pha Đin), đi qua địa phận 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, tổng chiều dài 80km và toàn bộ quốc lộ 279, từ Km0 đến Km116 dài 113,2km. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty, cho biết: Công tác quản lý, bảo trì của công ty theo 5 mục tiêu: Hệ thống an toàn giao thông, cầu, mặt đường, rãnh thoát nước và quản lý chung. Hiện Công ty có 5 Nhà hạt quản lý giao thông làm nhiệm vụ trên 2 tuyến quốc lộ (3 Nhà hạt cho quốc lộ 6 và 2 Nhà hạt thuộc quốc lộ 279) với tổng số 53 cán bộ, công nhân viên. Về nhiệm vụ, mỗi công nhân viên được giao quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 5km đường. Công ty thực hiện giao khoán giá trị theo ki lô mét đường xuống các Nhà hạt. Từ đó, Công ty và Chi cục Quản lý đường bộ sẽ nghiệm thu cho các Nhà hạt theo tiêu chí đánh giá công tác bảo dưỡng thường xuyên, chấm điểm đạt yêu cầu.

Đầu năm 2015, thực hiện chủ trương của ngành, Công ty Cổ phần Đường bộ 226 đã hoàn thành thoái 100% vốn Nhà nước và tiến hành công tác đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, với đơn giá đấu thầu 25 triệu đồng/km (bằng ½ năm 2013). Trước những chuyển đổi thách thức đó, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc Công ty đã tăng cường ổn định tổ chức, xây dựng khối đoàn kết trong toàn công ty; tích cực bám sát các chủ đầu tư nhằm tìm kiếm công ăn, việc làm, duy trì ổn định phát triển sản xuất và đã thu được những kết quả tích cực. Cụ thể: Công ty đã đấu thầu thành công đoạn tuyến đang quản lý trên quốc lộ 6 và quốc lộ 279, tạo thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân viên bảo dưỡng đường bộ từ năm 2015 đến hết năm 2017. Trong 7 tháng (từ tháng 6 đến hết tháng 12/2015), Công ty đều đạt kết quả đánh giá cao (đạt trên 96 điểm). Thực hiện kiểm đếm theo Quyết định số 994 QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 đối với toàn bộ các xã, phường dọc tuyến quản lý. Thực hiện tốt công tác đảm bảo giao thông mùa mưa lũ. Cụ thể: qua 7 đợt mưa lũ năm 2015, công nhân viên các Nhà hạt cùng hệ thống máy móc của công ty đã hót sụt trên 140.000m3  đất đá, kè trên 2.400 rọ đá, xây dựng 3 cống…

Chia sẻ về đời sống của cán bộ, công nhân viên tại các Nhà hạt, chị Lại Thị Bắc, công nhân lâu năm thuộc biên chế Nhà hạt quản lý đường bộ số 3, quốc lộ 279 cho biết: Mặc dù đời sống của cán bộ công nhân viên tại các Nhà hạt vẫn còn những khó khăn. Tuy nhiên, với hệ thống giao thông được đầu tư, ngày càng hoàn thiện, công việc đã bớt đi nhiều phần nhọc nhằn, thu nhập tuy chưa cao nhưng ổn định, anh chị em công ty an tâm lao động, công tác. Cùng với đó, công đoàn công ty thường xuyên gắn bó, động viên, thăm hỏi kịp thời; trang bị đầy đủ phương tiện, trang phục bảo hộ lao động… Từ đó nâng cao chất lượng duy tu, áp dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng duy tu, bảo dưỡng các cung đường.

Xuân đã về trên những cung đường Tây Bắc, trên các tuyến quốc lộ bừng nở sắc đào rừng, thấp thoáng bóng dáng những công nhân bảo dưỡng đường bộ tô điểm cho cung đường thêm êm thuận.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top