Khó kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi lợn

00:00 - Thứ Sáu, 22/01/2016 Lượt xem: 2345 In bài viết
ĐBP - “Dù Điện Biên chưa phát hiện vụ vi phạm nào về sử dụng chất cấm, tạo nạc trong chăn nuôi lợn, nhưng không vì thế mà khẳng định không có thịt lợn "bẩn" trên thị trường, vì số lượng lợn nhập từ các tỉnh miền xuôi lên Điện Biên rất lớn; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ và có xu hướng phát triển ở các xã vùng sâu, trong khi lực lượng chức năng mỏng, không thể kiểm soát hết các địa bàn...” - ông Lò Văn Tại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết.

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn ở một số tỉnh, thành, đặc biệt là chất tạo nạc, như: Salbutamol, Clenbuterol… Đây là những chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Còn trên địa bàn tỉnh có đàn lợn gần 360.000 con. Đến thời điểm này mặc dù chưa phát hiện chất cấm, tạo nạc trong sản phẩm chăn nuôi, nhưng người tiêu dùng cũng phần nào e ngại. Chị Nguyễn Thị Hương, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Thật khó phân biệt thịt lợn có sử dụng chất cấm hay không, vì miếng thịt nào trông cũng giống nhau. Để bảo vệ sức khỏe gia đình, tôi phải thường xuyên mua cá, tôm, thịt bò… thay thế thịt lợn”. Còn chị Lê Thị Nhung, phường Thanh Bình khi được hỏi cũng trả lời với tâm lý hoang mang vì không chắc chắn các cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh có sử dụng chất cấm, tạo nạc hay không? Nhưng gia đình chị đã hạn chế mua sau khi có thông tin phát hiện một số cơ sở chăn nuôi lợn đã sử dụng chất cấm ở các tỉnh, thành trong nước.

Rất khó kiểm soát hết các trang trại chăn nuôi gia súc nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Trả lời câu hỏi các cơ sở chăn nuôi có sử dụng các chất cấm, chất tạo nạc hay không ông Lò Văn Tại, cho biết: Năm 2015, Chi cục đã kiểm tra 37 cơ sở giết mổ và chăn nuôi lợn có quy mô từ 30 con trở lên tại huyện Điện Biên, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ, song không phát hiện đơn vị, hộ kinh doanh nào sử dụng chất cấm, tạo nạc. Tại một số cơ sở, Chi cục đã kiểm tra thức ăn và thuốc thú y nhưng tất cả đều nằm trong danh mục cho phép. Đoàn kiểm tra đã lấy 3 mẫu nước tiểu của gia súc ở giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng, gửi đi phân tích chất Salbutamol và chỉ phát hiện 1 mẫu có chứa chất Salbutamol nhưng ở giới hạn cho phép định lượng 1ppb. Bởi theo quy định tại Thông tư 57/TT-BNNPTNT ngày 7/11/2012 của Bộ NN&PTNT thì hàm lượng Salbutamol từ 2ppb trở lên mới vi phạm. Đoàn cũng lấy 1 mẫu nước tiểu của gia súc nhập từ tỉnh, thành khác vào kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm chất cấm.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đang tập trung kiểm tra các hộ kinh doanh đàn lợn có trọng lượng từ 50kg đến khi xuất chuồng, vì đây là những nơi có khả năng sử dụng chất cấm để tăng tỷ lệ thịt nạc trong lợn trước khi xuất. Song cái khó là chúng ta gọi đó là chất cấm nhưng quy định lại cho phép tồn dư trên thịt, nước tiểu... với một hàm lượng nhất định. Khi phát hiện vi phạm lại cho nuôi nhốt để thải hết chất cấm ra, sau đó tiếp tục giết mổ và kinh doanh như thường. Việc phạt tiền lại theo hành vi, lô hàng cũng rất khó. Giả sử nếu phát hiện 1 con lợn có chất cấm thì mức xử phạt cũng tương đương như đàn có 1.000 con có chất cấm nên rất khó răn đe các chủ kinh doanh. Mặt khác, theo quy định hiện hành, các chất Salbutamol, Clenbuterol bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng luật lại cho phép tồn tại trong giới hạn nhất định. Cụ thể, với Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y nếu có dưới 50ppb, nước uống, thịt, gan, máu ngưỡng dưới 5ppb và nước tiểu dưới 2ppb vẫn được chấp nhận.

Bên cạnh đó, việc thanh, kiểm tra chỉ thực hiện tại những cơ sở, trang trại chăn nuôi gia súc tập trung, trong khi tình trạng sử dụng chất cấm, tạo nạc, tăng trọng lượng cho lợn có thể len lỏi vào tận các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi thời gian gần đây, việc kinh doanh các trang trại lợn có xu hướng phát triển ở các xã vùng sâu, vùng xa, vì ở những nơi này có diện tích chăn nuôi rộng, lực lượng chức năng ít khi “sờ” đến. Ở cấp huyện, phòng NN&PTNT (đơn vị quản lý) cũng cho rằng, khó thực hiện nhiệm vụ vì việc phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng. Tại điểm a, khoản 2, Điều 18, Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ NN&PTNT nêu rõ: Huyện chỉ kiểm tra những cơ sở chăn nuôi, kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, thức ăn chăn nuôi... do huyện cấp phép. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, những điểm kinh doanh nhỏ lẻ mà người dân chưa đăng ký thì huyện cũng không được phép kiểm tra, quản lý. 

Để kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn, cần phải kiểm soát tốt toàn bộ quá trình từ thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi, thương lái, cơ sở giết mổ, người buôn bán... Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Từ cơ quan quản lý đến người sản xuất; từ người sản xuất đến người tiêu dùng đều phải nâng cao ý thức, không sử dụng chất cấm, tạo nạc. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho chính quyền cơ sở thì cần thiết nâng chế tài xử phạt các đơn vị, cá nhân vi phạm để ngăn ngừa tình trạng sử dụng chất cấm, tạo nạc trong chăn nuôi vì sức khỏe người tiêu dùng và cũng là đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi tỉnh.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top