Âm thầm bưu tá vùng cao

00:00 - Thứ Sáu, 22/01/2016 Lượt xem: 2039 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển hiện đại, mạng internet, thư điện tử trở nên quen thuộc với cuộc sống con người, thì nghề bưu tá gần như mất hẳn ở nhiều nơi. Tuy vậy, ở vùng cao tỉnh Điện Biên, những nơi mà công nghệ thông tin chưa “phủ sóng” tới, vẫn còn những người bưu tá xã đang ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ chuyển phát công văn, thư từ và bưu phẩm tới tận tay người dân. Hiện nay, với mức lương ít ỏi lại kiêm thêm nhiều việc không tên khác, nhưng vì trách nhiệm với nghề, những bưu tá xã mà chúng tôi đã gặp vẫn gắn bó, cần mẫn làm tròn công việc được giao.

Như chị Vàng Thị Sống (bản Hô Chim 2, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà) chưa đầy 20 tuổi, đã làm nghề bưu tá xã được 3 năm. Chị Sống có con nhỏ chưa biết đi, nên mỗi lần đi chuyển phát thư từ, bưu phẩm trong xã, chị phải gửi nhờ con chỗ người thân. Gặp chị Sống trên đường vào bản, chúng tôi thấy ngoài thư từ, bưu phẩm, chị còn mang thêm khá nhiều hàng hóa (dầu ăn, nước mắm, xà phòng, bột giặt...), đây là các sản phẩm được ngành Bưu điện phát cho bưu tá xã bán kèm. Chị Sống cho biết: “Mỗi tháng, tôi nhận được mức lương là 850 nghìn đồng, nhưng được khoán bán hết 1 triệu đồng tiền hàng hóa. Vì thế, khi đi bản chuyển bưu phẩm, thư từ, tôi cũng mang hàng hóa bán luôn”.

Anh Hoàng Văn Phước phân loại công văn, bưu phẩm, thư từ chuẩn bị mang đi bản.

Cứ đều 2 chuyến/tuần, chị Sống lặn lội mang hàng hóa lên từng bản, giới thiệu và bán cho bà con. Do địa hình xã Ma Thì Hồ chủ yếu là đồi, núi cao, đường sá chưa thuận lợi, nên công việc của chị càng trở lên vất vả. Cùng với đó, bà con vùng cao đa số hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên mỗi lần đi bán hàng hóa, chị Sống lấy công làm lãi, chứ bán đắt thì bà con không mua, còn bán rẻ thì lỗ và không đủ mức khoán sản phẩm. “Tuy công việc có phần vất vả, nhưng theo nghề được mấy năm, tôi cũng đã quen và thích công việc này. Theo tôi, nghề bưu tá cũng là công việc luôn được mọi người chào đón, quý trọng và tin tưởng, lại chưa vất vả bằng một số nghề khác ở vùng cao...” - chị Sống chia sẻ thêm.

Hiện nay, căn nhà gỗ cấp 4 của chị Sống nằm ở trung tâm xã Ma Thì Hồ là nơi tiếp nhận thư từ, bưu phẩm, cũng có thêm một quầy hàng bán tạp hóa cho bà con trong vùng. Hàng ngày, chị Sống tiếp nhận khá nhiều thư từ, công văn, bưu phẩm chuyển tới xã và nhận từ bà con trong vùng gửi đi. Tuy công việc khá bận rộn nhưng chị Sống vẫn làm tròn trách nhiệm chăm sóc gia đình và con cái. Chị Sống hy vọng, nghề bưu tá sẽ được ngành Bưu điện quan tâm hơn, tạo điều kiện và bổ sung thêm chế độ, để chị yên tâm theo nghề.

Đối với anh Hoàng Văn Phước, 30 tuổi, sống tại bản Đệ Tinh 1, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ thì nghề bưu tá xã nhiều năm nay là niềm vui trong cuộc sống của anh. Công việc hàng ngày của anh Phước là nhận thư từ, công văn, bưu phẩm, sau đó phân loại, mang đến bản, phát cho từng hộ dân; đồng thời tiếp nhận thư từ, bưu phẩm của bà con mang về Bưu điện xã Phìn Hồ. “Tôi đi bản phát thư từ, bưu phẩm thì không được thêm tiền công nhưng nếu để ở bưu điện xã thì bà con không biết đến lấy, vì nhiều người không có điện thoại, rất khó liên hệ; cũng có trường hợp tôi mời trưởng bản tới lấy về cho bà con. Nhưng tính ra, đi bản cũng rất vui, tôi được bà con quý mến, nên cứ thấy tôi vào bản là họ mời dùng cơm, uống rượu; bên cạnh đó tôi tranh thủ mua nông sản, vật nuôi về bán tại cửa hàng của gia đình” – anh Phước chia sẻ.

Chúng tôi theo chân anh Phước đi phát thư từ, bưu phẩm tại vài bản trong xã Phìn Hồ. Do đã quen đường và nhớ địa chỉ nhà dân, nên anh Phước phân phát khá nhanh, chỉ nửa buổi sáng anh đã phát xong hơn 50 công văn, bưu phẩm, thư từ lớn nhỏ cho bà con. Già làng Lý Huổi Vàng, bản Đệ Tinh 1, nhận lá thư của con gái gửi tận trong miền Nam ra, xúc động nói với chúng tôi: “Nhờ có bưu tá Phước mà thư từ, sách báo, bưu phẩm mới tới tận tay chúng tôi. Bà con bản tôi cảm ơn bưu tá Phước nhiều lắm!”.

Nói về chế độ, anh Phước cũng trăn trở, hiện nay việc đi lại vùng cao vẫn chưa thuận tiện, trong khi đó, những người làm bưu tá xã như anh Phước chưa được hỗ trợ tiền xăng xe để đi lại, thẻ điện thoại để liên hệ với người dân. Với mức lương khá thấp, lại thêm mức khoán bán sản phẩm và chưa có chế độ “thu hút”, anh Phước e rằng, sẽ có nhiều người không muốn theo nghề bưu tá xã nữa. “Bản thân tôi cũng vậy, tôi làm nghề bưu tá vì niềm vui công việc ở vùng cao này, nhưng mức thu nhập hạn chế đang là trở ngại đối với tôi”.

Cũng như chị Sống, anh Phước, ông Lò Văn Hương, gần 50 tuổi, (bản Sái, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo) cũng là một trong những bưu tá xã âm thầm theo nghề khá nhiều năm. Gặp ông Hương tại một buổi phát lương hưu trong xã Quài Cang, chúng tôi được biết thêm, ngoài mức khoán cơ bản, hiện nay người bưu tá xã còn kiêm thêm việc phát lương cho cán bộ nghỉ hưu trên địa bàn, phát thẻ bảo hiểm y tế, bán bảo hiểm xe máy... Thế nên, 5 năm mang thư từ, bưu phẩm vào bản, cũng là ngần ấy thời gian ông Hương phụ trách phát tiền lương, giấy tờ, chế độ cho người dân trong xã.

“Trong xã tôi có hơn 50 người được nhận lương hưu qua đường bưu điện, vì thế mỗi tháng 1 lần, tôi tổ chức phát lương cho họ tại bưu điện xã, nhưng cũng có người không đến nhận được, tôi phải tới tận nhà để phát cho họ” – Ông Hương cho biết.

Đôi mắt ông Hương đã kém, chân tay cũng chậm chạp, mỗi lần làm việc phải đeo kính nhưng trong công việc của người bưu tá xã, ông không bao giờ làm sai sót bất cứ điều gì. Trái lại, ông Hương hết sức trách nhiệm với công việc, nên được bà con trong xã vô cùng tin tưởng. Cũng như các bưu tá khác, mỗi tháng ông Hương chỉ nhận được 850 nghìn đồng tiền lương và không có phụ cấp gì thêm, nhưng ông Hương vẫn gắn bó và sẽ theo nghề bưu tá cho đến tuổi nghỉ hưu.

Với đồng lương ít ỏi, công việc vất vả, song những bưu tá vùng cao không hề chùn bước, mà luôn khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không để xảy ra việc chậm trễ, thất lạc thư tín, báo chí… Đôi chân không mệt mỏi của họ vẫn âm thầm trên những con đường, những bản làng vùng cao, mang niềm vui đến mọi nhà. Họ chính là nhịp cầu nối giữa người với người và xứng đáng được trân trọng, tin yêu.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top