Giảm nghèo đa chiều: Cơ hội và thách thức

00:00 - Thứ Tư, 23/03/2016 Lượt xem: 2208 In bài viết
ĐBP - Theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều áp dụng từ ngày 5/1/2016 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg (QĐ 59) của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo mới sẽ được xem xét từ cả góc độ thiếu hụt về thu nhập lẫn các hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với một tỉnh vùng cao, cơ sở hạ tầng còn thiếu như Điện Biên, tỷ lệ hộ nghèo của 5 năm trước nhiều khả năng sẽ trở lại, thậm chí cao hơn (ít nhất về mặt số học), kéo theo nhiều thách thức ngay từ khâu rà soát...

Chính sách đúng đắn, nhân văn

Thực tế tại nhiều địa phương, trong đó có Điện Biên, những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo đều đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo chuẩn cũ, nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền, thì một câu hỏi được đặt ra: Nếu 1 người tạo ra thu nhập tốt nhưng anh ta vẫn phải sống ở nơi thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin - những điều kiện mà người này không dễ mua bằng mức thu nhập "đủ ăn") thì đã đảm bảo một cuộc sống cơ bản chưa? Đó chính là lý do để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, mở rộng ra 10 chỉ số. Hiểu một cách đơn giản, nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các chiều cạnh khác. Từ chuẩn nghèo mới này, Chính phủ kỳ vọng khi áp dụng sẽ bảo đảm mức sống toàn diện hơn, không chỉ là miếng cơm, manh áo mà người dân còn được chăm sóc đầy đủ về giáo dục, sức khỏe, điều kiện sống về nhà ở, nguồn nước sinh hoạt...

Dịch vụ xã hội ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh ta còn thiếu do hạ tầng chưa đồng bộ. Trong ảnh: Người dân bản Lai Khoang (xãNà Hỳ, huyện NậmPồ) tranh thủ may vá vào ban ngày do chưa có điện lưới quốc gia.

Ông Hoàng Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo cho rằng: Giảm nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhưng theo đúng xu thế xã hội trong tình hình hiện nay. Người dân xứng đáng được hưởng một cuộc sống đầy đủ về cả vật chất và tinh thần, chúng ta đang phấn đấu "ăn ngon, mặc đẹp" chứ không phải là chỉ "ăn no, mặc ấm" như trước đây nữa! Đặc biệt, phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều xét các yếu tố về dịch vụ xã hội, chất lượng sống (các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt: chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin....) sẽ khiến người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn, nâng cao ý thức trong sinh hoạt và được đầu tư nhiều hơn về hạ tầng xã hội (các chỉ số:  tiếp cận các dịch vụ y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em). Đây là chính sách nhân văn và rất cần thiết, nhất là với khu vực vùng sâu, vùng xa như tỉnh ta.

Thách thức nào chờ đợi?

Tổng kết chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 - 2020, Điện Biên đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn cũ) từ 28% xuống còn trên 14%; các huyện nghèo 30a giảm từ trên 40% xuống còn trên 18%; phấn đấu trên 95% hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội. Hiện nay, quá trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều trên địa bàn tỉnh vẫn đang được tiến hành. Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tổng hợp số liệu trình HĐND tỉnh thẩm định. Tuy nhiên, theo thống kê của một số địa phương đã hoàn thành việc rà soát, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đã tăng, có nơi tăng đột biến, dự báo những thách thức trong định hướng Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quá trình rà soát, thống kê cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Ông Vàng Giống Lầu, Chủ tịch UBND xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông cho biết: Thách thức đầu tiên là quá trình chuyển đổi cách tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang đa chiều, ngay từ khâu tập huấn cho đội ngũ làm công tác rà soát đã chiếm nhiều thời gian của ngành chuyên môn, bởi trình độ cán bộ làm công tác rà soát tại cơ sở không đồng đều, trong khi yêu cầu trong quá trình đánh giá hộ nghèo sẽ phức tạp hơn. Trong quá trình rà soát, do đặc thù địa phương là vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế, để đánh giá nhanh, chính xác, khách quan đòi hỏi đội ngũ làm công tác rà soát, thống kê ngoài trình độ cần có sự nhiệt huyết. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới cũng là một vấn đề, như kết quả rà soát tại xã Phình Giàng, tỷ lệ nghèo hiện nay là trên 82%, tăng gần 33% so với chuẩn cũ (tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 của xã Phình Giàng là 49,7%). Vẫn biết vấn đề chính không phải là con số người nghèo tăng lên hay không nhưng với 82% hộ dân thuộc diện nghèo thực sự là một áp lực không nhỏ về chế độ chính sách, an sinh xã hội cho địa phương. Cùng với đó, chuẩn nghèo mới được ban hành sau khi Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ huyện Điện Biên Đông và xã đã tổ chức xong, trong các nghị quyết về giảm nghèo đã được Đại hội thống nhất nhưng đến nay phải xây dựng lại. Thực tế tại xã Phình Giàng có những khu vực người dân không nghèo (ít nhất về mặt thu nhập) nhưng do Phình Giàng có điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông khó khăn nên dịch vụ xã hội cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đơn cử như bản Phì Xua A - bản xa trung tâm xã nhất, để vào bản chỉ có cách men theo con đường mòn ven vách núi và chưa có điện. Theo chuẩn cũ, tỷ lệ hộ nghèo của bản Phì Xua A là 32% (thấp hơn tỷ lệ toàn xã Phình Giàng), người dân chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế tốt. Nhưng khi áp dụng chuẩn nghèo mới, ngay từ 2 yếu tố "không đường, không điện" đã kéo theo hàng loạt thiếu hụt về dịch vụ xã hội, đẩy tỷ lệ hộ nghèo ở Phì Xua A lên con số gần 100%.

Chưa biết chính sách hỗ trợ nghèo theo chuẩn mới, người nghèo sẽ được hỗ trợ cụ thể những gì và họ muốn vươn lên hay ỷ lại vào chính sách nhưng nên chăng việc "bắt" người dân đang không nghèo trở nên nghèo, để rồi họ phải ngồi với cái "nghèo" đó đợi các hạ tầng xã hội về đến nơi để… thoát nghèo?! Đó là câu hỏi thách thức sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị địa phương.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top