Trụ vững sau cơn “đại hồng thủy”

00:00 - Thứ Sáu, 25/03/2016 Lượt xem: 2514 In bài viết
ĐBP - Sau thành công của Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ xã Pú Nhung (nhiệm kỳ 2015-2020), cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã như được tiếp thêm nghị lực và niềm tin, để hăng hái tiến quân vào các lĩnh vực kinh tế - văn hoá - xã hội. Quả thực, có đến Pú Nhung mới biết rằng “Danh bất hư truyền”; mới biết chẳng phải ngẫu nhiên mà Pú Nhung được bình chọn là xã điểm toàn diện, trong số 130 xã, phường, thị trấn của tỉnh Điện Biên...

Như mọi người thấy, hiện giờ, trung tâm hành chính xã Pú Nhung đóng ở bản Đề Chia. Tuy nhiên, điều mà không hẳn ai cũng biết là bản Đề Chia thời Vừ A Dính đánh Pháp, nằm cách vị trí của bản Đề Chia ngày nay gần ba tiếng đi bộ, mãi đâu đó tít tắp trên đỉnh Pú Minh (có tài liệu ghi núi Khe Trúc). Hàng năm, vào mùa xuân, rừng Pú Minh rực rỡ hoa đào và một trong những cây đào ấy, đã chứng kiến cái chết bi tráng của Vừ A Dính. Đó là buổi chiều thê lương ngày 15/6/1949, Vừ A Dính đã hy sinh năm 15 tuổi, trong tư thế người chiến thắng. Nghe nói cái tên Pú Minh là do cán bộ Việt Minh đặt cho sau ngày Vừ A Dính hy sinh, đó là một địa danh kết hợp giữa hai ngôn ngữ thể hiện tình đoàn kết gắn bó: Pú (hoặc Pu) là ngôn ngữ Thái (tiếng phổ thông của vùng cao) và Minh là ngôn ngữ Việt (tiếng phổ thông của cả nước).

Trường Tiểu học Pú Nhung, nơi góp phần quan trọng nâng cao dân trí cho người dân trong xã.

Theo đó, Pú Minh nghĩa là “Núi Sáng”; chẳng hiểu giai thoại trên có chính xác không, nhưng chí ít, nó cũng mang một nội dung đẹp, triết lý và nhân văn. Mấy năm sau ngày hòa bình lập lại, trên đà thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất, thực hiện chủ trương của Đảng về định canh định cư cho đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Mông nói riêng, bản Đề Chia được di dời xuống một thung lũng rộng lớn và bằng phẳng - là địa điểm mà chúng ta thấy hiện nay. Như vậy, trong số 10 bản của xã Pú Nhung, thì Đề Chia A là bản định cư lâu đời nhất, nơi được xem là “thủ phủ” của xã vùng cao với những đóng góp rất đáng trân trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của Điện Biên.

Hơn nửa thế kỷ qua, cuộc đời người chiến sỹ liên lạc của đội vũ trang châu Tuần Giáo đã khép lại, nhưng khí phách của anh vẫn sáng bừng như muôn vạn cánh hoa đào trên núi Pú Minh. Vào những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, huyện đội Tuần Giáo đã đưa hài cốt liệt sỹ Vừ A Dính từ Pú Nhung ra nghĩa trang thị trấn Tuần Giáo. Hiện giờ, theo quốc lộ 6 về Hà Nội, nghĩa trang liệt sỹ Tuần Giáo nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin lịch sử, cách ngã ba thị trấn Tuần Giáo chừng một cây số. Tại đây, trước đài tưởng niệm và trong mùi thơm man mác của hoa đại, có hai ngôi mộ lớn hơn chút ít so với những ngôi mộ khác; đó là mộ Sùng Phái Sinh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng dân tộc Mông và cùng quê xã Pú Nhung với Vừ A Dính; ngôi mộ lớn còn lại chính là phần mộ của Vừ A Dính, với dòng lạc khoản trang trọng được khắc chìm trên mặt lớp đá rửa màu đen: “Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính, sinh ngày 12-9-1934 tại Pú Nhung, Tuần Giáo, Điện Biên. Hy sinh ngày 15-6-1949. Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 8-11-2000”.

Cuối tháng 2/2016, chúng tôi có dịp trở lại Pú Nhung. Câu chuyện với ông Sùng Dũng Phía - Chủ tịch UBND xã - trôi đi trong những hoài niệm nặng lòng. Theo ông Sùng Dũng Phía, cán bộ và nhân dân Pú Nhung luôn nhớ lại cái cũ để thấy hết giá trị của cái mới hôm nay - những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Pú Nhung giành được, trong thời kỳ “dân làm, dân kiểm tra”. Chúng tôi cùng đứng trên hành lang tầng 2 trụ sở UBND xã, nhìn sang chỗ ngôi Trường Tiểu học gianh tre cũ nát hôm nào, giờ là ngôi trường 2 tầng khang trang. Những năm qua, trạm phát lại truyền hình, điện lưới quốc gia, bưu điện văn hoá, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng... lần lượt mọc lên trong nỗ lực xây dựng Nông thôn mới của cán bộ và nhân dân Pú Nhung. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về đời sống nhân dân trong xã, thay vì trả lời, ông Sùng Dũng Phía đưa cho chúng tôi Báo cáo số 01/BC-UBND ngày 10/01/2016 của UBND xã và nói một cách đầy tự tin: “Về cơ bản mọi số liệu có trong này. Các anh cần thêm thông tin khác thì chúng tôi cung cấp tiếp”.

Đường vào Pú Nhung hôm nay.

Theo đó, đầu tháng 8/2015 mưa lớn trên địa bàn đã gây thiên tai, lũ quét, sạt lở đất và cầu cống, đường đi lối lại; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân các bản: Phiêng Pi A, Phiêng Pi B, Đề Chia A, Đề Chia B, Đề Chia C, Xá Tự, Khó Bua. Tại 3 bản: Tênh Lá, Trung Dình, Chua Lú mưa lũ cuốn trôi nhiều tài sản và hơn 70ha hoa màu bị mất trắng; trên 10 hộ gia đình bị trôi mất nhà. Tổng thiệt hại toàn xã, ước tính trên 5 tỷ đồng. Giá bán nông sản của nhân dân trong xã rớt thảm hại, ngô hạt từ 5.000 đồng/kg xuống dưới 3.500 đồng/kg. Thiệt hại là rất lớn và cuộc di dân “bất đắc dĩ” ra khỏi vùng nguy hiểm cũng mới cơ bản hoàn thành. Vấn đề nan giải nhất là đất sản xuất cho bà con tại nơi ở mới. Đến thời điểm tháng 2/2016, bản Trung Dình (87 hộ dân) và Chua Lú (112 hộ dân) chưa có điện lưới quốc gia.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh và trong huyện, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Pú Nhung đã và đang trụ vững sau cơn “đại hồng thủy” lịch sử. Cấu trúc hạ tầng: Điện - đường - trường - trạm... đang phát huy hiệu quả, phục vụ trực tiếp đời sống mọi mặt của xã hội. Ngô, lúa, lạc, đỗ tương... ở ngoài ruộng; mận, nhãn, cà phê... ở trong vườn; sắn, dứa, ý dĩ... ở trên nương, mùa nào thức ấy, mùa nào người dân cũng có nguồn thu nhập khá ổn định. Người Mông ở Pú Nhung như tảng đá trên núi, những tảng đá hiền lành và biết cách chiến thắng trước bất kỳ mọi thế lực đen tối nào. Thời đại xã hội chủ nghĩa chúng ta có Đảng cầm tay chỉ lối. Đảng ở ngay trong lớp học bên các em thơ chăm chỉ sớm chiều. Đảng ở ngay ngọn tháp truyền hình để mang khoa học kỹ thuật sản xuất về cho dân được ấm no. Đảng ở ngay đồng vốn vay ưu đãi giúp người Mông Pú Nhung phát triển kinh tế gia đình. Trên con đường Đảng vạch, hơn 650 hộ với hơn 3.500 nhân khẩu trong xã cùng chung đội ngũ, cùng chung hướng đi. Đảng bộ xã Pú Nhung xác định xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đảng các cấp. Một khi kinh tế phát triển, sẽ giúp cho công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh. Thống kê cho biết năm học 2015-2016, xã Pú Nhung có trên 750 cháu đang theo học các hệ giáo dục phổ thông. Nhiều cháu đang học tại các trường chuyên nghiệp trong nước.

Có được những thành công trên, đương nhiên là nhờ vào sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các ngành, sự nỗ lực tự thân của nhân dân trong xã. Song còn một yếu tố tác động mang tính nhân - quả, đó là tình hình an ninh trật tự ở địa phương luôn được giữ vững; đặc biệt vai trò của từng đảng viên được phát huy trên mọi lĩnh vực đời sống. Những năm gần đây, một loạt chính sách mới của Đảng về với người dân Pú Nhung. Tập quán canh tác lạc hậu dần thay đổi, những khuyến nông viên về với từng thôn bản và từng nông hộ, cùng nhân dân bàn chuyện làm giàu, cải tạo đất sản xuất, lựa chọn giống cây trồng vật nuôi. Nếu trước kia đậu tương là cây xoá đói giảm nghèo của người dân Pú Nhung, thì nay, giống ngô mới năng suất cao đang làm cho nguồn thu của nhiều gia đình nông dân tăng lên vùn vụt.

Để khép lại bài viết này, xin mượn lời của ông Sùng Dũng Phía - Chủ tịch UBND xã Pú Nhung: Mục tiêu của Đảng bộ khoá này là tiếp tục lãnh đạo nhân dân phát huy những tiềm năng thế mạnh, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống anh hùng của cán bộ và nhân dân trong xã. Trước mắt, năm 2016, đẩy mạnh hơn nữa “cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; vận động nhân dân hăng hái tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới; đăng ký 10/10 bản đạt bản văn hóa cấp huyện; tích cực xóa đói giảm nghèo, biến các mô hình kinh tế hộ thành những gương sáng mà gia đình nào cũng có thể soi vào, ai cũng có thể học tập...

Bài, ảnh: Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top