Vì giọt máu cứu người

00:00 - Thứ Sáu, 01/04/2016 Lượt xem: 2714 In bài viết
ĐBP - Lặng lẽ, kiên trì triển khai các phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với ước mong “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” -  Đằng sau mỗi giọt máu hiến tặng không chỉ là sự sẻ chia mà hơn thế nữa còn là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) làm công tác vận động hiến máu tình nguyện, những tuyên truyền viên xuất sắc “nhân lên những giọt hồng vì cuộc sống cộng đồng”...

Tháng 3 về, khi những nhành ban nở trắng khắp phố phường, cũng là lúc diễn ra “Lễ hội Xuân hồng” với ước muốn gửi trao, nhân lên hạnh phúc. Hiến máu không chỉ là cách để mỗi người làm việc thiện mà hơn thế nữa đó còn là cách để họ cảm nhận hạnh phúc là trao gửi yêu thương đến với người bệnh cần máu... “Sẻ giọt máu đào - trao niềm hy vọng” - những ước muốn tưởng chừng như nhỏ bé ấy, nhưng đó là cả sự cống hiến và hy sinh thầm lặng của những cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ làm công tác vận động HMTN. Với sắc áo đỏ truyền thống “đi từng nhà, gõ từng cửa” để gửi những thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến từng người dân, đó là hành động rất đỗi quen thuộc, gần gũi của đội ngũ những người làm công tác vận động HMTN; không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động mà họ cũng chính là những người đi đầu, trực tiếp hiến máu cứu người.

Cán bộ ban Kiểm tra - Chăm sóc sức khỏe (Hội Chữ Thập đỏ) thăm hỏi động viên người tham gia hiến máu tình nguyện.

“Nếu mình không làm gương thì làm sao vận động, thuyết phục mọi người HMTN” - đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng ban Kiểm tra - Chăm sóc sức khỏe, Hội CTĐ, người có “thâm niên” gần 10 năm gắn bó với nghiệp vận động HMTN. Nhớ lại những ngày đầu, bà Nguyễn Thị Dân bồi hồi kể lại: Ban Chỉ đạo HMTN thành lập tháng 10/2008, tôi được phân công nhiệm vụ là thành viên giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Ngày ấy, việc vận động người dân tham gia HMTN gặp rất nhiều khó khăn, gần như là nhiệm vụ bất khả thi với người mới chân ướt, chân ráo vào nghề như tôi. Đặc biệt, việc vận động người dân tham gia hiến máu còn rất khiêm tốn vì họ vẫn còn suy nghĩ: “Đứt tay mất máu đã sợ, huống chi là phải cho đi một lượng máu lớn trong cơ thể”; tâm lý lo sợ lây nhiễm bệnh khi lấy máu qua bơm kim tiêm hay một số người ở độ tuổi trung niên còn cho rằng máu mình “già” nên không lấy được... Ở thành phố đã khó, về những huyện vùng sâu, vùng xa đường sá đi lại khó khăn, trắc trở tuyên truyền để người dân hiểu và nhận thức đầy đủ về ý nghĩa cũng như quyền lợi của mình khi hiến máu còn khó gấp bội phần, vì vẫn còn nhiều quan niệm lạc hậu, thậm chí nhiều bệnh nhân khi được cho máu còn không nhận, bởi họ quan niệm “Truyền máu của người khác sẽ bị con ma của họ (người hiến máu) ám vào mình”, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở bản làng vùng cao, chưa được tiếp cận với nền y học hiện đại.

Qua rồi, một thời gian khó với những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà Nguyễn Thị Dân và đội ngũ cán bộ làm công tác vận động HMTN (Hội CTĐ), bằng tình cảm và trách nhiệm với tinh thần tất cả vì sức khỏe cộng đồng, họ đã không ngừng học hỏi, tìm tòi những cách làm hay, sáng tạo để người dân thấu hiểu trao gửi những giọt máu đào, góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân. Cùng với đó, với sự cống hiến và hy sinh thầm lặng của họ, công tác HMTN của tỉnh không những đạt chỉ tiêu đề ra mà cơ cấu người HMTN cũng thay đổi tích cực. Trước đây lực lượng được xem là nòng cốt là cán bộ, hội viên, ĐVTN, sinh viên, lực lượng vũ trang... thì nay đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân đăng ký tham gia HMTN; đặc biệt ở những huyện vùng cao, như: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Lay. Minh chứng cho sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo và những người làm công tác vận động HMTN là năm 2008 toàn tỉnh tiếp nhận được 826 đơn vị máu, đến năm 2015 toàn tỉnh có 4.996 lượt người đăng ký HMTN, tiếp nhận được 4.336 đơn vị máu. Toàn tỉnh đã thành lập được 8 câu lạc bộ HMTN với 622 thành viên sẵn sàng cho máu khi bệnh nhân cần.

Phát huy kết quả của những người tiền nhiệm, các bạn trẻ làm công tác vận động HMTN đã và đang tiếp bước, nỗ lực hết mình để khơi gợi nhiều hơn nữa, những giọt máu cứu người. Bạn Nông Thị Ngọc Mai, cán bộ Hội CTĐ, chia sẻ: Mặc dù, mới gắn bó với công tác vận động HMTN gần 4 năm, nhưng nó ngấm vào máu mình lúc nào không hay. Bây giờ cứ hễ ngồi với bạn bè là mình lại nói chuyện về chủ đề hiến máu cứu người. Để có thể thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia, mình đã kêu gọi và thành lập nhóm “Tình nguyện viên tham gia tuyên truyền vận động và chăm sóc người hiến máu” với 20 thành viên là trí thức, sinh viên, nhân dân... Từ đó, khi tổ chức ngày hội hiến máu, hay các chương trình cổ động mình và các bạn trong nhóm đã vận động được nhiều hơn các tầng lớp xã hội tham gia hiến máu vì mục đích cứu người.

Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mà mỗi cán bộ Hội CTĐ thực sự là những người thân, gần gũi, trao đổi thông tin về HMTN, chăm sóc người hiến máu, nhất là với những bạn trẻ tham gia hiến máu lần đầu để họ không còn cảm giác lo lắng về sức khỏe sau khi hiến máu mà tự tin, vui vẻ khi tham gia. Bạn Giàng Thị Di, lớp K18 - QV, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, tâm sự: “Trước đây, khi nghe đến hiến máu em sợ lắm! Nhưng khi tham gia hiến máu được các cô trong đội vận động HMTN giải thích về lợi ích khi hiến máu thì em yên tâm vì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, ngược lại hiến máu còn giúp em thay đi lượng máu cũ để sản sinh máu mới tốt hơn. Không những vậy, tham gia hiến máu nhân đạo là việc làm có ý nghĩa, góp phần cứu sống người bệnh, những giọt máu của em cho đi có thể cứu sống nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch”.

Ông Đỗ Công Long, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, cho biết: Những năm qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, hoạt động tuyên truyền HMTN được triển khai quy mô, chất lượng từng bước được nâng lên, nhiều cán bộ lãnh đạo đã trực tiếp tham gia hiến máu, là gương điển hình để người dân học tập và noi theo. Đến nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập được ban chỉ đạo HMTN; một số huyện vùng cao đạt và vượt chỉ tiêu về số lượng máu tiếp nhận, như: Tủa Chùa, Điện Biên Đông... Cùng với đó, công tác tuyên truyền được Hội CTĐ đẩy mạnh, đổi mới với nhiều hình thức phong phú, như: Phát tờ rơi, tranh ảnh, áp phích băng zôn, khẩu hiệu... Hội các cấp đã phát 5.000 tờ rơi, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền ca khúc hiến máu cho ban chỉ đạo HMTN các huyện, thành phố... đã thu hút được nhiều tầng lớp đăng ký tham gia. Nhờ đó, số người đăng ký tham gia hiến máu ngày càng tăng; đưa Điện Biên trở thành tỉnh đứng đầu phong trào HMTN khu vực Tây Bắc.

Bước chân tình nguyện của những người làm công tác vận động HMTN đã và đang vững bước trên khắp các nẻo đường; không ngại khó, ngại khổ... để khơi gợi nhiều hơn nữa những giọt máu đào trong hành trình kết nối những trái tim vì cuộc sống cộng đồng...

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top