Tập trung phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

00:00 - Thứ Hai, 11/04/2016 Lượt xem: 2241 In bài viết
Theo Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2015 - 2020 cho UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, thì năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT là 78% số dân. Tuy nhiên, với ngành BHXH để tăng thêm được 2% số dân tham gia BHYT trong năm 2016 cũng là một áp lực lớn, khi nhóm đối tượng hướng tới hầu hết là những người thuộc diện tham gia BHYT tự nguyện và chưa tham gia BHYT, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn…

 


Người dân tham gia BHYT được phục vụ ngày càng tốt hơn. Trong ảnh: Người dân nhận thuốc tại Khoa Dược, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia BHYT

Phát triển đối tượng BHYT được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành BHXH, cho nên ngay khi được giao chỉ tiêu, BHXH các địa phương đã tập trung triển khai các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia. Tại cuộc họp Giao ban công tác thực hiện chính sách BHYT khu vực phía bắc, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Bình Minh cho biết: Năm 2015, Vĩnh Phúc có 750 nghìn người tham gia BHYT, đạt 72,6% số dân trong tỉnh, nhưng so chỉ tiêu Chính phủ giao thì chưa đạt. Hiện nay, ở Vĩnh Phúc, đối tượng cận nghèo đã được hỗ trợ cho nên đã tham gia 100%. BHXH tỉnh cũng tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh thông qua chính sách: hỗ trợ người cao tuổi, như: 60 tuổi trở lên thì hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ, 79 tuổi trở lên hỗ trợ 50%; người đầu tiên tham gia BHYT hộ gia đình thì hỗ trợ 20% mệnh giá thẻ; học sinh, sinh viên từ năm 2016 được hỗ trợ thêm 20% mệnh giá thẻ…; cơ quan BHXH cũng tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHYT đến các nhóm đối tượng. Theo đồng chí Nguyễn Bình Minh, với những biện pháp tổng thể, năm 2016, Vĩnh Phúc phấn đấu đạt 75% số dân tham gia BHYT.

Là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh về tỷ lệ người dân tham gia BHYT, Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định Trần Văn Dũng cho biết: Năm 2013, toàn tỉnh có 43% số dân tham gia BHYT và đến 2015 đã tăng lên 73,5%, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, năm 2013 chỉ có 40% tham gia thì nay đã đạt 95% số học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Để có sự phát triển vượt bậc trong vòng ba năm qua, ngay khi có Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, BHXH tỉnh Nam Định đã bám sát Nghị quyết 21 và được sự đồng thuận của cấp ủy đảng, chính quyền nhất là sự phối hợp của các sở, ban, ngành cùng vào cuộc trong công tác triển khai, tổ chức, tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Năm 2015, BHXH tỉnh đã có hơn 70 cuộc đối thoại trực tiếp, xuống tận xã, phường, thị trấn, thôn, xóm để tuyên truyền vận động người dân. Năm 2016, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT của Nam Định cũng đã được đưa vào nghị quyết của tỉnh ủy, tất cả các cấp ủy, đảng chính quyền địa phương sẽ cùng đồng hành với cơ quan BHXH để đạt 74% số dân tham gia. Tuy nhiên, phát huy kết quả đạt được năm 2015, cùng với những giải pháp đang triển khai, Nam Định cũng phấn đấu sẽ đạt khoảng 76% số dân tham gia BHYT.

Còn khó khăn, vướng mắc

Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT năm 2016. Vì hiện nay, vẫn đang thiếu một số văn bản hướng dẫn của Chính phủ và bộ, ngành chức năng liên quan.

Theo đó, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, cho nên cơ quan BHXH vẫn chưa có căn cứ để cấp thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo. Đồng thời, chưa ban hành quy định về danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn áp dụng từ năm 2016 để thay thế Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn 2014-2015; chưa ban hành Quyết định phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn sau 2015 thay thế Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1-4-2013.

Ngoài ra, có 15 tỉnh, thành phố, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An… chưa có cơ chế hỗ trợ mức đóng còn lại thuộc phần trách nhiệm phải đóng của các đối tượng là người thuộc hộ gia đình, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Đánh giá sau hơn một năm triển khai, thực hiện những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, với nỗ lực phấn đấu của toàn ngành BHXH, chính sách BHYT đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng với hơn 76,5% số dân có thẻ BHYT trong năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn cần được khắc phục trong thời gian tới. Đó là việc phát triển đối tượng tham gia BHYT ở hơn một phần ba số tỉnh, thành phố chưa đạt chỉ tiêu Thủ tướng giao; công tác giám định BHYT còn hạn chế, tình trạng bội chi cục bộ quỹ BHYT ở một số địa phương chưa được khắc phục và có chiều hướng gia tăng; cơ chế kiểm soát việc đấu thầu, mua sắm, quản lý sử dụng thuốc, vật tư y tế hiệu quả chưa cao… Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết, năm 2016 là năm có tính chất bản lề đối với quá trình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHYT. Toàn ngành phải tiếp tục phấn đấu tăng diện bao phủ BHYT lên 78% số dân theo Quyết định của Chính phủ. Tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng, như thông tuyến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện; tổ chức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong năm; hoàn thành việc triển khai hệ thống giám định BHYT điện tử toàn quốc trước 30-6-2016 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thành đổi mới quy trình, nghiệp vụ, phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT…

Theo báo cáo của BHXH các địa phương, năm 2015, đã có 44 tỉnh, thành phố thực hiện cho người thuộc đối tượng cận nghèo mua thẻ BHYT được hỗ trợ mua thẻ BHYT (ngoài phần được ngân sách hỗ trợ 70%) bằng các nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các tổ chức khác. Có 19 tỉnh chưa thực hiện hỗ trợ cho người thuộc hộ cận nghèo mua thẻ BHYT ngoài phần được hỗ trợ ngân sách Trung ương. Đến hết năm 2015, đã có 3,4 triệu trong số 3,8 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, đạt 90,3%.

 

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top