XKLĐ ở Nậm Pồ: Những tín hiệu khả quan

00:00 - Thứ Sáu, 15/04/2016 Lượt xem: 2302 In bài viết
ĐBP - Được chia tách, thành lập từ tháng 6/2013, ngay sau đó huyện Nậm Pồ bắt tay vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo đặt ra đầu tiên đối với Nậm Pồ và xác định đây là việc làm hết sức khó khăn. Trong số đó, giải pháp trọng tâm là xuất khẩu lao động (XKLĐ).

2 năm sau ngày thành lập, chỉ tiêu XKLĐ đặt ra chỉ khiêm tốn ở 15 trường hợp, song kết quả vẫn không như mong muốn. Sau “khoảng lặng” của huyện “trắng” XKLĐ, giờ đây trên mảnh đất này đã có những người dân tộc đầu tiên dám bước chân sang thị trường Lào lao động theo con đường hợp pháp.

Được cán bộ Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ – TB & XH) huyện Nậm Pồ giới thiệu, vận động nhiều lần về các chương trình XKLĐ, nhưng phải sau vài tháng mang tính chất thăm dò, đến tháng 9/2015 anh Là Văn Lường, bản Nậm Ngà 1, xã Nậm Chua mới quyết định làm hồ sơ XKLĐ, trước sự động viên rất lớn từ gia đình. Và chính Lường cũng là trường hợp đầu tiên của huyện Nậm Pồ bước chân sang thị trường Lào làm thuê theo đúng chủ trương cũng như quy định pháp luật.

Nhờ số tiền con trai XKLĐ gửi về, bà Khoàng Thị Troong đã mở rộng kinh doanh hàng tạp hóa của gia đình.

Trong căn nhà gỗ khang trang hơn so với nhiều gia đình khác ở bản, bà Khoàng Thị Troong (mẹ Lường) tâm sự: “Mới đầu gia đình tôi cũng e dè lắm! Nghe cán bộ giới thiệu nhiều chương trình XKLĐ rồi, cả trong và ngoài nước, nhưng vẫn đắn đo. Lần này, cán bộ của Phòng LĐ – TB & XH huyện đến tận nhà giải thích cặn kẽ mọi thắc mắc của gia đình tôi và người dân trong bản. Khi đã rõ mọi vấn đề, thấy có nhiều lợi ích nên ông nhà tôi đã động viên thằng con trai đi, vì ở nhà cũng không có việc làm mà gia đình lại khó khăn”.

Cũng theo bà Troong chia sẻ, khoản tiền 10 triệu đồng để nộp và chi phí cho việc đi của con bà cũng được tạo điều kiện cho vay. Chỉ sau 4 tháng lao động, con trai bà đã gửi hơn 20 triệu đồng về cho gia đình trả nợ và phụ giúp bố mẹ mở rộng kinh doanh hàng tạp hóa. Trong niềm phấn khởi, bà Troong tâm sự thêm: “Mới hôm qua thằng Lường gọi điện hỏi thăm gia đình, bảo vẫn đang làm tốt và báo tin chuẩn bị nhận thêm tiền lương đợt 2 rồi!”.

Không chỉ gia đình bà Troong, tháng 12/2015 vừa qua, Nậm Ngà 1 tiếp tục có thêm 1 trường hợp nữa tham gia XKLĐ tại thị trường Lào. “Nhìn vào 2 trường hợp này, một số hộ khác trong bản cũng bắt đầu nghĩ đến việc bản thân, hoặc cho con em trong độ tuổi lao động tham gia XKLĐ nếu có chương trình phù hợp” – ông Lý Văn Thăn, Trưởng bản Nậm Ngà 1 chia sẻ.

Được biết, trong năm 2015, Nậm Pồ có 7 hồ sơ đăng ký tham gia XKLĐ, trong đó 3 trường hợp đã chính thức xuất xảnh. Qua thông tin trao đổi giữa các lao động và gia đình thì họ đều đang làm tốt, với mức lương ổn định, bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/tháng. Các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục được đơn vị chuyên môn hướng dẫn, tuyên truyền trong thời gian tới.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện tuyên truyền cho người dân bản Nậm Ngà 1, xã Nậm Chua.

 “Qua tiếp xúc với nhiều gia đình ở Nậm Pồ, chúng tôi nhận thấy ngoài rào cản về phong tục tập quán và lối sống sinh hoạt tự do, thì một trong những cản trở lớn chính là sự thiếu kiến thức, dẫn đến việc lo lắng, dè chừng khi quyết định rời mảnh đất quê hương đi nơi khác làm thuê, nhất là các thị trường nước ngoài. Để người dân nơi đây vượt qua những rào cản đó và tin vào chủ trương XKLĐ thì không có cách nào khác là phải gần dân” – bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nậm Pồ khẳng định.

Với giải pháp này, năm 2015 có thể được xem là năm “ra quân” tuyên truyền về XKLĐ. Hàng tháng, cán bộ chuyên môn của Phòng LĐ – TB & XH đều có mặt tại các địa bàn dân cư phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền và nắm bắt tình hình. Từ đó, cung cấp những thông tin chính thức, liên tục về chương trình tuyển lao động của các công ty trong, ngoài nước; đồng thời hướng dẫn cách thức làm hồ sơ, thủ tục; giải thích kịp thời những thắc mắc, trăn trở để người dân thực sự cảm thấy yên tâm và tin tưởng khi XKLĐ.

Được biết, năm 2016, mặc dù chỉ tiêu về XKLĐ tỉnh giao khá lớn, song Nậm Pồ chỉ đưa vào nghị quyết 10 chỉ tiêu, để sát thực hơn với tình hình thực tế địa phương. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc đồng bộ từ các cấp cũng như đoàn thể địa phương, ngay từ đầu năm 2016, Phòng LĐ – TB & XH đã tiếp nhận những trường hợp đầu tiên tìm đến để tìm hiểu thông tin và đăng ký tham gia XKLĐ. Sự chủ động từ phía người dân, cũng có thể được xem là tín hiệu vui đối với XKLĐ ở Nậm Pồ.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top