Vấn đề hôm nay

An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn bức xúc, nổi cộm

00:00 - Thứ Hai, 18/04/2016 Lượt xem: 2884 In bài viết
ĐBP - Khách quan đánh giá, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua luôn được quan tâm, có những chiến dịch cao điểm được triển khai và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Bước đầu ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản.

Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức về an toàn thực phẩm của một số người dân còn hạn chế, đời sống còn khó khăn, tập quán ăn uống sinh hoạt một số nơi còn lạc hậu, không đảm bảo VSATTP. Các cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn đa số còn dùng nước không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức, chưa có sổ theo dõi việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, đa số tự sử dụng một cách tự phát.

Mặt khác, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống thường nhỏ lẻ, tự phát, hoạt động không thường xuyên, nên thiếu các thủ tục pháp lý.

Khu bày bán thực phẩm thường không đủ điều kiện, các hộ kinh doanh thường không có sổ theo dõi, ghi chép kiểm nghiệm thực phẩn hàng ngày, gây khó khăn cho việc truy xét nguồn gốc sản phẩm khi có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Các điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trồng rau chủ yếu là các hộ gia đình nằm xen kẽ trong các khu dân cư, không có vùng tập trung, việc xử lý môi trường liên quan đến khu giết mổ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng... gặp rất nhiều khó khăn.

Qua kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở đảm bảo VSATTP theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3/12/2014 tại 413 cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả, loại A có 157 cơ sở, chiếm 38,01%; loại B và C chiếm 60,09% (loại B có 217 cơ sở, chiếm 52,5%, tăng 1,36%; loại C có 39 cơ sở, chiếm 9,44%). Thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và dư lượng các chất độc hại, kháng sinh cấm trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên 29 mẫu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 23/29 mẫu đảm bảo chất lượng, không có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất cấm. Có 6/29 mẫu thức ăn (chăn nuôi và thủy sản) không đạt do không đúng tiêu chuẩn chất lượng như công bố trên bao bì. Qua đây có thể khẳng định, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn bức xúc, nổi cộm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và niềm tin người tiêu dùng.

Tháng Hành động “Vì an toàn vệ sinh thực phẩm” năm nay (15/4 - 15/5/2016) có chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tập trung giải quyết tốt những tồn tại nêu trên. Bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn; xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tập trung tạo đột phá, chuyển biến trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt ở 4 lĩnh vực chính: chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ, phân bón khác...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là tại các chợ đầu mối chuyên cung ứng rau, thịt, nông sản, thực phẩm...

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top