Đến năm 2020: Đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội

00:00 - Thứ Ba, 19/04/2016 Lượt xem: 2001 In bài viết
Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mục tiêu đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, trước mắt kéo giảm các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, không để tội phạm lộng hành.

Mục tiêu đến năm 2020 đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm từ 3%-5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016. Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trên tổng số án khởi tố.

Để đạt mục tiêu đề ra, chiến lược đưa ra nhiệm vụ và giải pháp là nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm của hệ thống chính trị và cộng đồng. Trong đó gắn việc hoạch định, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội với công tác phòng, chống tội phạm, khắc phục sơ hở, thiếu sót mà tội phạm có thể lợi dụng hoạt động.

Đặc biệt trong quá trình hoạch định, thực hiện các chính sách kinh tế như góp vốn, cho vay vốn đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư của nước ngoài, chính sách tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp cần công khai, minh bạch, có giám sát chặt chẽ của cơ quan tài chính, kiểm toán để tránh tình trạng tài sản nhà nước bị thất thoát; cần có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại; thị trường vốn, thị trường chứng khoán, bất động sản; đổi mới các chính sách tạm nhập, tái xuất; chính sách về thuế, chính sách quản lý đất đai...

Chiến lược cũng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ. Trong đó, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, thống kê tội phạm, chủ động nắm diễn biến tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, lập hồ sơ quản lý đối với các đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội “đâm thuê, chém mướn”, “bảo kê”, “xiết nợ”, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức trái phép các hoạt động cờ bạc, cá độ thể thao, các hoạt động chuyển giá, sở hữu chéo, các hoạt động lợi dụng kinh doanh để phạm tội; các đường dây buôn lậu, mua bán và vận chuyển trái phép các chất ma túy lớn. Chú trọng việc bắt, vận động đối tượng truy nã đầu thú, tập trung số đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top