Góc nhìn nhà báo

Thương người nghèo khổ

00:00 - Thứ Sáu, 13/05/2016 Lượt xem: 2777 In bài viết
ĐBP - Năm 1914, với tên gọi Nguyễn Tất Thành, lần đầu tiên Bác Hồ đặt chân đến Thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh). Để có tiền sống và hoạt động, Bác nhờ người xin cho vào làm chân phụ bếp trong khách sạn Cáclơtơn - một khách sạn danh tiếng ở Luân Đôn ngày ấy.

Chính vì là một khách sạn danh tiếng, nên hàng ngày có rất nhiều thực khách đến dùng bữa ở đây. Hầu hết các vị khách là những người có địa vị nhất định trong xã hội, đó là các chính khách, các ông chủ tập đoàn tài chính hoặc những người xuất thân từ tầng lớp quý tộc. Do vậy, thức ăn của họ đều là những của ngon vật lạ và đặc biệt, lượng thức ăn thừa rất nhiều; có khi thừa cả một con gà tần cách thuỷ mới vài lần chạm dĩa, những chai rượu đắt tiền hoặc đĩa bánh mì kẹp thịt thỏ rừng béo ngậy. Thông thường, các bồi bàn sẽ thu dọn tất cả số thức ăn thừa, đổ vào một cái thùng rác rồi sau đó vất đi. Ngay từ hôm đầu được nhận vào phụ việc cho bếp trưởng, những thức ăn thừa của những thực khách cao cấp như thế đều được Nguyễn Tất Thành giữ lại và để riêng ra (thay vì cho ngay vào thùng rác chờ vất đi). Thấy vậy, viên bếp trưởng người Pháp tên là EtcôpPhie hết sức ngạc nhiên, hỏi:

- Theo quy định của khách sạn, những thức ăn này phải bỏ ngay vào thùng rác. Sao anh không làm như thế?

Nguyễn Tất Thành trả lời không chút đắn đo:

- Chúng còn tốt cả và đằng nào thì cũng vất đi. Xung quanh đây còn rất nhiều những người đang đói, ta có thể cho họ những thứ đó!

Suy nghĩ của Nguyễn Tất Thành làm cho không chỉ viên bếp trưởng mà tất cả những ai đứng gần đấy, từ chỗ ngạc nhiên đến xúc động thực sự. Đây là hành động nhân đạo lần đầu tiên xảy ra ở khách sạn và đặc biệt, nó lại do một người giúp việc mới đề xuất.

Trong suốt cuộc đời cách mạng gian khổ và vinh quang của mình, kể cả lúc bôn ba nơi hải ngoại hay khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, bao giờ Bác Hồ cũng nghĩ về nhân dân và nhất là những người nghèo khổ. Đối với Bác, “làm cho dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, đó là tư tưởng nhất quán trong mỗi lời nói và trong từng việc làm hàng ngày. Những chuyến công tác về các địa phương, bao giờ Bác cũng dành khoảng thời gian nhất định để gặp gỡ nông dân. Bác ra tận ngoài ruộng lúa, cùng tát nước chống hạn với nông dân, trò chuyện với họ, lắng nghe những điều họ nói. Để từ đó có những quan điểm chỉ đạo sát với thực tiễn, phù hợp từng thời điểm và tình hình từng địa phương. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chính là học tập tư tưởng gần dân, sâu sát đời sống nhân dân, biết được hoàn cảnh của dân và hết lòng hết sức mưu cầu lợi ích cho dân.

Riêng cá nhân tôi, tôi đánh giá cao những cán bộ có tác phong giản dị, gần gũi, khiêm nhường. Với những cán bộ này, người dân và nhất là người nghèo, có thể yên tâm gửi gắm, không sợ phải hoài công hy vọng...

Song Sơn
Bình luận
Back To Top