Cần quản lý chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu

00:00 - Thứ Hai, 16/05/2016 Lượt xem: 3397 In bài viết
ĐBP - Rượu – thứ đồ uống đã xuất hiện hàng ngàn năm trong lịch sử nhân loại và ngày càng phát triển phong phú hơn trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, càng ngày khoa học càng chứng minh những tác hại, hệ quả không mong muốn do rượu gây ra đối với đời sống con người, đặc biệt là những loại rượu không đảm bảo chất lượng, rượu giả...

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với đặc thù vùng cao, từ xưa nấu rượu và uống rượu đã in sâu vào nếp sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Ngày nay, dù thị trường có sự du nhập của nhiều loại rượu trong và ngoài nước nhưng thực tế cho thấy cơ bản người dân vẫn sử dụng các loại rượu nấu từ ngũ cốc (gạo, ngô, sắn). Dù đã có những trường hợp tử vong liên quan đến rượu như 2 người tại huyện Tủa Chùa năm 2013 nhưng đó là sự việc đáng tiếc do người dân uống rượu ngâm với loài thực vật có độc tố chứ không phải uống rượu giả.

Theo bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, rượu có tên hoá học là ethanol (C2H5OH), bản thân ethanol là chất độc có độc tính thấp nhưng khi được đưa vào cơ thể con người với hàm lượng cao sẽ được chuyển hóa thành những chất gây độc cho gan, thận. Trước hết, phải phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu, rất khó để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu có pha cồn do biểu hiện của ngộ độc chất ethanol giống hệt biểu hiện của say rượu. Độc tính của ethanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Ngộ độc do uống nhiều rượu – khái niệm bệnh lý này được chia ra làm 2 trường hợp, cụ thể: Ngộ độc rượu (cồn thực phẩm) bệnh nhân sẽ hôn mê sâu, hạ đường huyết, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và xa hơn là tàn phá gan của người thường xuyên uống rượu. Trường hợp thứ 2 là ngộ độc rượu có thành phần cồn công nghiệp, đây là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng con người, nếu cứu sống được thì người bệnh vẫn mắc phải những biến chứng nguy hiểm, lâu dài cho sức khỏe. Như vậy, dù là ngộ độc do uống rượu “xịn” hay uống phải rượu giả, rượu cồn công nghiệp đều nguy hiểm cả.

Là đơn vị chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước đối với mặt hàng rượu, bà Nguyễn Thị Liễu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Trong những năm gần đây, đơn vị chưa phát hiện trường hợp sản xuất, tiêu thụ rượu giả trên thị trường TP. Điện Biên Phủ. Vì sức khỏe người tiêu dùng, ngành Công Thương sẽ tăng cường quản lý việc cấp phép sản xuất, lấy mẫu, thanh tra xử lý đối với các cơ sở sản xuất rượu. Đặc biệt, vừa qua, tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, các tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban Chỉ đạo), qua đó việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rượu nói riêng sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top