Mường Nhé nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn

00:00 - Thứ Hai, 23/05/2016 Lượt xem: 2714 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Nhé có dân số trên 36.000 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 56%. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được huyện Mường Nhé xem là giải pháp then chốt nhằm giúp dân có việc làm, phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Ông Đỗ Thùy Giang, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, cho biết: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT là vấn đề nhiều khó khăn, thử thách đối với huyện Mường Nhé khi đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế, tập quán sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp nên thường e ngại khi tiếp xúc với những kiến thức mới. 5 năm qua, tổng số LĐNT trên địa bàn được đào tạo nghề là 3.100 người. Trong đó, hơn 2.000 người đã học nghề xong, trên 1.300 lao động có việc làm thường xuyên sau khi học nghề. Các nghề được đào tạo trên địa bàn chủ yếu là về lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp các kiến thức đầu bờ, các kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi; hơn 70% lao động tham gia học nghề đều tiếp thu và thực hành có hiệu quả vào thực tế sản xuất.

Nhờ được tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc nấm, chị Khoàng Thị Trường, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé đã phát triển mô hình trồng nấm. Trong ảnh: Chị Trường kiểm tra chất lượng nấm sò. Ảnh: Sầm Phúc

Nhờ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề mà đa số người lao động có việc làm, có cách nhìn mới trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, biết tận dụng tài nguyên đất đai và các điều kiện thiên nhiên ưu đãi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Anh Khoàng Cà Chừ, xã Sín Thầu cho biết: Cuối năm 2014, tôi tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò. Trước đây chăn nuôi đều chỉ dựa theo kinh nghiệm nhưng sau khi tham gia lớp, tôi học được nhiều kiến thức mới, các kỹ thuật từ chọn giống cho đến chăm sóc, sử dụng thức ăn, nhận biết và phòng trị bệnh cho trâu, bò. Đó cũng là cảm nhận của anh Lò Văn Hạnh, xã Mường Nhé khi tham gia vào lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm. Anh Lò Văn Hạnh vui vẻ chia sẻ: Ngày trước, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào hơn 1.000m2 ruộng, cuộc sống khó khăn và vất vả. Sau khi tham gia lớp đào tạo về trồng nấm, tôi thấy nấm dễ trồng, chăm sóc đơn giản mà cho năng suất và sản lượng tốt. Từ đó, tôi đầu tư trồng nấm, giờ đây kinh tế gia đình đã khá hơn, cuộc sống không còn vất vả như trước.

Ngoài nghề nông nghiệp thu hút đa số lao động tham gia thì các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: hàn, xây dựng... cũng được LĐNT đăng ký. Đến nay, có gần 100 lao động học nghề xây dựng, sau khi đào tạo, được nhận vào làm tại các doanh nghiệp, công ty đang hoạt động trên địa bàn huyện, tỉnh hoặc tham gia xây dựng các công trình dân dụng nhỏ tại bản, xã. Anh Lường Văn Vĩnh, bản Mới, xã Chà Cang, cho biết: Cuối năm 2012, tôi tham gia lớp kỹ thuật cơ khí. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi mở xưởng cơ khí tại nhà, vừa vận dụng những kỹ năng được đào tạo vừa học hỏi thêm qua các tài liệu để phù hợp với nhu cầu của người dân trong xã. Cuộc sống cũng như kinh tế gia đình tôi ngày càng khá hơn.

Mặc dù kết quả đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Mường Nhé vẫn còn khiêm tốn, song đó là kết quả sự cố gắng của cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, sự nhiệt tình của các đơn vị tham gia dạy nghề và người lao động. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức về học nghề cho LĐNT, tạo điều kiện cho LĐNT tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế để vận dụng vào thực tế lao động sản xuất tại địa phương.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top