Tháng Hành động Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2016

Góp phần nâng cao chất lượng thực phẩm

09:28 - Thứ Hai, 13/06/2016 Lượt xem: 4344 In bài viết
ĐBP - Tháng Hành động Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016 có chủ đề: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, với nhiều hoạt động cụ thể, bám sát chủ đề. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, đặc biệt là với các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Tháng Hành động Vì chất lượng vệ sinh ATTP năm 2016 được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 15/4 – 15/5. Với mục tiêu là giải quyết căn bản vấn đề bức xúc, nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong rau quả, thịt lợn, gà, thủy sản... tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giảm ngộ độc thực phẩm; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu kiểm tra tại Khách sạn Him Lam.

Bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Điện Biên là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhận thức về ATTP của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tập quán ăn uống của một số nơi còn lạc hậu, chưa đảm bảo vệ sinh ATTP. Các cơ sở kinh doanh rau, thịt thường nhỏ, lẻ hoạt động không thường xuyên nên thiếu các thủ tục pháp lý; khu bày bán thường không đảm bảo điều kiện, các hộ kinh doanh không có sổ ghi chép kiểm tra thực hàng ngày gây khó khăn cho cơ quan chức năng truy xét nguồn gốc khi xảy ra nguy cơ mất ATTP. Các điểm giết mổ, trồng rau chủ yếu là hộ gia đình nằm xen kẽ trong khu dân cư, không có vùng tập trung, việc xử lý vấn đề môi trường liên quan đến khu giết mổ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng... gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, hưởng ứng Tháng Hành động Vì chất lượng vệ sinh ATTP năm 2016, các thành viên Ban Chỉ đạo Vệ sinh ATTP tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc đảm bảo ATTP theo quy định của pháp luật. Chi cục đã cấp phát 10 đĩa hình, 10 đĩa tiếng cho 10 huyện, thị, thành phố với nội dung tuyên truyền thông điệp của Tháng Hành động năm 2016; tổ chức 35 buổi nói chuyện chuyên đề tại địa bàn các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm... thu hút gần 1.100 người tham dự. Đồng thời, lực lượng liên ngành các cấp đã thực hiện thanh, kiểm tra ATTP tại 10 huyện, thị, thành phố; tiến hành thanh, kiểm tra 1.148 cơ sở sản xuất, chế biến, buôn bán thực phẩm, trong đó có hơn 900 cơ sở đạt tiêu chuẩn; phát hiện 241 cơ sở vi phạm quy định vệ sinh ATTP. Lực lượng liên ngành đã tiến hành nhắc nhở 188 cơ sở, xử lý 53 cơ sở, buộc tiêu hủy tại chỗ 43 loại sản phẩm. Những lỗi vi phạm chủ yếu tập trung vào việc người lao động không được khám sức khỏe, tập huấn hoặc không sử dụng trang phục bảo hộ theo quy định; hàng hóa hết hạn sử dụng bị tiêu hủy; không đảm bảo vệ sinh khu vực chế biến... Trong quá trình thanh, kiểm tra, lực lượng liên ngành đã xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm và phát hiện 49 mẫu bát, đĩa, dụng cụ chế biến thực phẩm không đạt yêu cầu. Các đoàn đã yêu cầu cơ sở thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm ATTP theo đúng quy định. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng đối với công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, góp phần không nhỏ vào phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn”.

Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, Tháng Hành động vì ATTP năm 2016 đã tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng vệ sinh ATTP. Tuy vậy, để xử lý triệt để vấn đề thực phẩm tiêu dùng “bẩn” còn nhiều việc phải làm. Bà Nguyễn Thúy Hồng cho biết thêm: Muốn giải quyết nạn thực phẩm “bẩn” phải bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất và tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn; xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, tập trung tạo đột phá, chuyển biến trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong 4 lĩnh vực chính: Chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ, phân bón khác. Để làm được điều đó không chỉ cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng chức năng mà còn cần sự chung tay của chính những người tiêu dùng trong việc lựa chọn sử dụng các thực phẩm sạch, an toàn.

Bài, ảnh: Sơn Nam
Bình luận
Back To Top