Góc nhìn nhà báo

Từ diễn tập đến thực tế

10:21 - Thứ Hai, 13/06/2016 Lượt xem: 4024 In bài viết
ĐBP - Thông thường mùa mưa Tây Bắc diễn ra trong vòng khoảng 3 tháng (tháng 6 - 7 - 8 dương lịch hàng năm); cao điểm nhất là nửa cuối tháng 7 sang nửa đầu tháng 8. Năm nay, vào đầu mùa mưa, ngày 12/5/2016 Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015; đồng thời triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng tiếp theo của năm 2016.
Tại điểm cầu Điện Biên, báo cáo cho thấy mặc dù năm qua tỉnh ta không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng hoàn lưu của bão và áp thấp nhiệt đới đã gây ra mưa lớn, kéo dài trên diện rộng tạo ra lụt lội, lũ quét tại nhiều địa phương. Theo con số thống kê, năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh ta thiên tai đã làm 4 người chết, 18 người bị thương; trên 3.500ha lúa thiệt hại hoàn toàn do mưa, rét và gần 350ha lúa bị sạt lở, mất trắng do mưa lũ; 65 công trình thủy lợi hỏng nặng, nhiều công trình nhà ở, cơ quan, trường học bị tốc mái, sạt lở, ngập lụt; hơn 450 ngôi nhà bị đổ sập hoặc tốc mái; trên 4.000ha rừng bị thiệt hại do rét, trong đó gần 2.000ha bị thiệt hại hoàn toàn; hàng nghìn con trâu, bò, ngựa bị chết... Sơ bộ ước tính tổng thiệt hại gần 600 tỷ đồng.

Cứ bằng vào các báo cáo, nhất là các kế hoạch diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thì con người bao giờ cũng nắm thế chủ động. Thậm chí là chủ động hoàn toàn với nhiều phương án và phương án nào cũng được xem là linh hoạt, sát thực với phương châm “bốn tại chỗ” và có thể nói không chê vào đâu được. Tuy nhiên, như cuối mùa mưa năm ngoái, chỉ khi nào lũ ống xảy ra kinh hoàng tại thị trấn Tuần Giáo hoặc lụt nhấn chìm mấy bản của xã Pú Nhung, nhiều người mới thừa nhận là thiên tai vốn dĩ nhiều bất trắc và rất khó đoán định. Sau cơn “thịnh nộ” của thiên nhiên, một vài người dân khối Huổi Củ và Tân Tiến (thị trấn Tuần Giáo) mang hương ra thắp rồi vái lạy cái... gốc cây góc vườn nhà mình. Chả là các phương án cứu hộ thiên tai và cả các ban bệ đầy đủ mọi thành phần được thành lập với tinh thần “chủ động” lắm lắm, nhưng lúc “hữu sự” đều ở quá xa dân. Trong cơn nguy biến, khi mà dòng nước lũ nhăm nhăm cuốn họ đi với sức hủy diệt ghê gớm, thì thưa rằng, chính những cành mận, cành mít tầm thường và rất “vô tri” lại như chìa bàn tay ra để “gia ân” giữ mạng họ lại… 

Xin thử nhớ lại bài học mùa lũ năm 1999, đập Pe Luông mới “tràn thử” một tí qua các xã Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn... lập tức “biết mặt” nhau ngay! Các phương án cứu hộ khi diễn tập thấy khen nức nở mà lúc này đây chả biết đang “ngủ yên” trong ngăn tủ của cấp nào. Tại trận lụt “ví dụ” nêu trên, hơn 200 hộ sắp sửa bị nhấn chìm vậy mà chỉ có chưa đầy chục cái mảng tre tròng trành như thể đồ chơi. Hỏi ra, mấy cái xuồng máy cứu hộ đang cho hồ Pa Khoang mượn để phục vụ việc kinh doanh du lịch, mà hồ Pa Khoang thì cách xa vùng lụt những... trên 30km đường bộ(!). Khi điều được xuồng máy về thì không có người lái, khi tìm được người lái thì máy nổ đang “nhốt” ở trong kho. Cơn lũ bắt đầu từ khoảng 8 giờ sáng, đến hơn 14 giờ (cùng ngày) mới thấy 2 cái xuồng máy của cơ quan chức năng lờ đờ xuất hiện. Lúc này gió đã ngừng thổi, mưa đã thôi rơi và mực nước đã rút xuống gần 1 sải tay trong khi những người leo trên ngọn cây, ngồi trên các mái nhà thì đang lau nước mắt cho nhau và động viên nhau cố gắng đừng chết lả(!).

Mùa mưa năm nay mới chỉ bắt đầu, còn hơn hai tháng nữa mới kết thúc và trong khoảng thời gian ấy, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Các cuộc diễn tập phòng chống cứu hộ, cứu nạn mưa bão là rất tốt, rất đáng hoan nghênh, chỉ lưu ý rằng từ diễn tập đến thực tế là một khoảng cách rất xa với vô vàn tình huống không như chúng ta từng giả định...

Song Sơn
Bình luận
Back To Top