Cầu tạm... tạm đến bao giờ?

10:46 - Thứ Năm, 07/07/2016 Lượt xem: 2455 In bài viết

ĐBP - Nhìn bản đồ vệ tinh, xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên) giống như chiếc đầu trâu bị chẻ đôi bởi con suối Nậm Rốm (đầu nguồn sông Nậm Rốm). Gần 10km dọc quốc lộ 279 lối rẽ vào địa phận xã có đến 7 cây cầu tạm, mỗi mùa mưa lũ đến, hàng trăm hộ dân ở bên kia suối luôn phải sống chung với nỗi sợ hãi mỗi khi qua cầu. Vào ngày mưa lớn, nước suối tràn về, cuốn những cây cầu tạm trôi theo dòng nước lũ.

 

Người dân vận chuyển nông sản qua cầu tạm ở bản Tẩu Pung.

Trong chuyến công tác tại cơ sở ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm bản Nà Ngám 3 đúng lúc hàng chục hộ dân đang khẩn trương khuân vác tre, gỗ để gia cố lại cây cầu. Tôi bước run rẩy trên cây cầu thủng rách nham nhở sang bên kia, dù trời nóng 380C độ nhưng vẫn thấy gai gai người. Ấy vậy mà theo người dân ở đây thì từ bao đời nay, hằng ngày họ vẫn phải qua lại cây cầu này. Tôi hỏi anh Lò Văn Thương, nhà cũng ở bản Nà Ngám 3: Đã bao giờ anh bị ngã xuống suối chưa? Có chứ, ngã nhiều lắm! Chỉ cách đây mấy hôm cũng có người trong bản lộn cổ xuống đây, cả người và xe máy trôi đi mấy chục mét, may mà có người ở đó, cứu hộ kịp. Anh Thương kể thêm, hôm nay mỗi gia đình ở bên này suối cử 1 đến 2 người, nộp tre, gỗ rồi cùng nhau làm lại cây cầu, để chuyển lúa về không mưa thối hết lúa rồi.

Cách bản Nà Ngám 3 hơn 1km, ở bản Tẩu Pung, gia đình ông Lò Văn Nọi đang tập kết một đống lúa to ngay đầu cầu. Tôi thắc mắc sao lại để lúa ở đây, thì ông nói rằng đang đợi máy tuốt đến, đem thóc về thôi, đem cả rơm qua cầu như người bị bịt mắt ấy. Ai cũng phải chở bằng xe máy thôi, vì thóc nhiều, nhà lại xa, gánh không kịp. Nhưng chở xe thì khi qua cầu rất nguy hiểm, đã có cả người, xe và thóc rơi xuống suối. Có hôm mưa to, nước tràn về, cầu sập, trôi... đúng lúc có người đang qua lại, hú vía! Tôi nhìn cây cầu cách mặt nước có đến 2 - 3m, mùa khô thì đá nằm lăn lóc như lợn con, người ngã xuống không gãy cổ thì cũng vỡ đầu. Còn mùa, nhất là những ngày lũ về, các rọ đá (người dân đan bồ bằng tre rồi bỏ đá vào) nặng cả tấn mà nước còn cuốn phăng nữa là mạng người, là xe máy?... Mới nghĩ thôi tôi đã rùng mình, nên không dám hỏi gì thêm nữa, mà đứng đợi để xem “xe ôm thóc” qua cầu như thế nào. Gần một giờ trôi qua, mặt trời đã khuất sau những ngọn núi, chuyến xe chở thóc đầu tiên cũng bắt đầu xuất phát. Người thanh niên mặc bộ dân quân tự vệ, ngồi trên chiếc xe Wave chở hai bao thóc to, một bao để phía trước, một bao buộc đằng sau, ước chừng hơn tạ. Những thanh tre lát trên mặt cầu oằn lên, cả thân cầu rung lắc dữ dội. Khi xe ra đến giữa cầu thì khựng lại, anh thanh niên kéo hết cỡ ga hòng đưa chiếc xe thoát khỏi điểm kẹt, tiếng nổ gào váng dọc một đoạn suối dài, khói đen xả ra mù mịt, mấy tấm ván gỗ bong lên, đập xuống chát chúa. Anh lái chới với giữ cho bánh trước không bị nảy lên và chệch ra khỏi cây cầu... đến bản Nà Nọi 2, một người đàn ông đang lúi húi cuốc phá cả lùm cây, phía dưới cây cầu tạm. Ông là Lò Văn Chiến, cán bộ mặt trận bản Nà Nọi 2, ông tự nguyện san đường cho các hộ ở bên kia suối đi lại bớt khó khăn.

Khi được hỏi về những cây cầu tạm, ông Chiến nói: Vất vả lắm chú ạ. Năm nào cũng phải làm lại vài lần, nước lũ về là cầu lại trôi mất. Nhưng mới đây thấy có đoàn khảo sát về đo đạc và họ nói sắp làm cầu treo rồi nên bà con dân bản phấn khởi lắm...

Tôi đến UBND xã Nà Nhạn để được nghe thông tin cụ thể hơn từ phía chính quyền. Sau khi nhấp chén trà, ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã chậm rãi: Về việc mấy cây cầu thì không cần phải viết báo đâu, sắp làm cầu mới rồi. Đoàn công tác của Bộ Giao thông - Vận tải cùng cán bộ trên tỉnh, huyện cũng đã về khảo sát và quyết định sẽ đầu tư cho xã Nà Nhạn 4 cầu. Tôi hỏi là bao giờ cầu sẽ được xây? Ông Sơn bảo: Cái này thì chúng tôi cũng không biết, các anh phải lên hỏi trên huyện...

Mùa mưa nữa đã đến, trên những dòng sông suối vào mùa nước lũ, những nguy hiểm, bất chắc và những câu chuyện đau lòng đâu đó vẫn xảy ra. Hàng trăm hộ dân ở các bản của xã Nà Nhạn hàng ngày vẫn đi qua những cây cầu tạm vẫn đang phải sống chung với những cây cầu tạm vốn chả khác nhiều so với những cái bẫy - mà những cái bẫy này, hàng ngày, người dân vẫn nhất định phải đối mặt!

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top