Nguy cơ sạt lở cao ở trung tâm Huổi Só

10:49 - Thứ Năm, 07/07/2016 Lượt xem: 3365 In bài viết

ĐBP - Sau trận bão tháng 8/2015, khu vực trung tâm hành chính xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa xuất hiện các vết nứt do sụt lún gây phá hoại kết cấu nhiều công trình. Sân bê tông, tường rào công trình trụ sở UBND xã, trường mầm non, trường tiểu học, bưu điện xã và nền nhà trạm y tế đều bị nứt… Dù đến nay chưa có thiệt hại về người, song tại những khu vực này vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

 

Dãy nhà gỗ là nơi làm việc cho các cán bộ xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa đã mối mọt, dột nát.

Nhớ lại đợt mưa lũ lớn từng xảy ra trên địa bàn huyện Tủa Chùa, ông Lý Thanh Dôn, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Só, chia sẻ: Sau đợt mưa lũ lớn hồi tháng 8/2015, chính quyền xã đã khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực hành chính trung tâm xã Huổi Só. Trong đó, nhận thấy vết nứt tại Trường Tiểu học Huổi Só có nguy cơ sụt lún cao, có thể ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. Ban Chỉ huy Phòng, chống bão lũ huyện đã xuống địa bàn kiểm tra thực tế. Qua đánh giá sơ bộ, ngoài khu vực Trường Tiểu học Huổi Só thì ở Trường Mầm non Huổi Só và một số điểm khác tại trung tâm xã cũng xuất hiện vết nứt sau đợt mưa lớn kéo dài. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và các thầy cô giáo, các nhà trường đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đồng thời, xây dựng phương án di dời cho học sinh, sơ tán tài sản, chuẩn bị lực lượng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Tuy nhiên, trước mắt đây mới chỉ là phương án tạm thời còn về lâu dài đòi hỏi sự đánh giá chi tiết đề ra được phương án tối ưu...

Vừa nói, ông Lý Thanh Dôn vừa cùng chúng tôi đi thăm khu hành chính của trung tâm xã Huổi Só và giới thiệu: Huổi Só là xã vùng cao của huyện Tủa Chùa, cách trung tâm huyện 50km về phía Nam. Nơi đây còn là địa phương có điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ sông Đà. Những năm qua, Huổi Só luôn được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư, xây dựng nhiều công trình, dự án phục vụ cuộc sống của người dân. Đứng giữa sân trụ sở UBND xã, chỉ tay về dãy nhà gỗ bên phải trụ sở đã mối mọt, ông Dôn, cho biết thêm: Dãy nhà gỗ này được dựng cách đây chục năm là nơi làm việc của các đoàn thể, mặt trận tổ quốc và cựu chiến binh xã. Cũng tại dãy nhà gỗ này, sau trận mưa lũ năm ngoái nền nhà đã bị lún và nằm trên khung trượt, rất nguy hiểm. Qua nhiều năm sử dụng, các thanh xà, cột đã bị mối mọt, trần nhà dột mỗi khi trời mưa.

Trung tâm xã Huổi Só nằm trên sườn đồi dốc 10 - 30%, do ảnh hưởng của bão năm 2015, khu vực này xuất hiện 2 vết nứt (do sụt nún). 1 vết chạy từ sân trụ sở UBND xã sang Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Só và 1 vết nứt chạy qua nhà dân, qua đường lên trụ sở UBND xã sang Trạm Y tế xã (chiều dài trung bình của các vết nứt từ 70-100m, chiều rộng từ 3 - 5m). Vết nứt này chạy ngang dọc làm nứt mặt sân bê tông, chân tường rào trụ sở UBND xã, trường mầm non, trường tiểu học, bưu điện xã; gây nứt tường và nền nhà làm việc trạm y tế xã. Ngoài ra, theo đánh giá của chính quyền địa phương, việc xuất hiện cung trượt lớn trên còn có nguy cơ gây sạt sập 10 ngôi nhà của các hộ dân. Vừa qua, UBND huyện Tủa Chùa đã lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét chủ trương đầu tư xây dự án Di chuyển khu hành chính xã Huổi Só (gồm: UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện và 10 hộ dân) ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất với tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 41 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án Di chuyển khu hành chính xã Huổi Só có quy mô đầu tư gồm các hạng mục: San nền, xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, thoát nước, công trình cấp nước, cấp điện, công trình trụ sở UBND - HĐND - Đảng ủy xã, Trạm Y tế, Trường Mầm non, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Só, Bưu điện xã. Cách trung tâm xã Huổi Só khoảng 200m, vị trí đồi Đâu Dùi được chọn là điểm tái định cư, thực hiện san nền tạo mặt bằng xây dựng khu hành chính và phân lô cho các hộ dân với định mức tối thiểu là 300m2/hộ. Việc san nền được thực hiện trên cơ sở phù hợp với địa hình đảm bảo an toàn, ổn định, phù hợp với phong tục tập quán sinh sống của người dân, đảm bảo khối lượng đào đắp là nhỏ nhất để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, huyện tận dụng công trình cấp nước sinh hoạt ở xã đã có và điều chỉnh lại cho phù hợp, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và một phần cho sản xuất theo quy mô công trình cấp V, tiêu chuẩn cấp nước 100 lít/người/ngày đêm. Về công trình trụ sở UBND - HĐND - Đảng ủy xã là danh mục đã được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2016 - 2020, đang được xin chủ trương đầu tư, sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương. Các công trình khác phục vụ cuộc sống người dân như: trạm y tế, trường mầm non, bưu điện xã được xây dựng nhà cấp 4.

Mùa mưa lũ năm nay đang đến rất gần, người dân ở Huổi Só vẫn nơm nớp lo lắng trước nguy cơ sạt lở cao tại khu vực trung tâm hành chính xã. Hơn lúc nào hết, họ mong muốn khu vực trung tâm hành chính xã sớm được di dời và trước mắt, Huổi Só cũng cần phương án di dời tạm thời, hiệu quả nếu sạt lở xảy ra.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top