Chuyện ở bản trên 3 con

14:42 - Thứ Năm, 14/07/2016 Lượt xem: 3121 In bài viết
ĐBP - Nhiều năm nay, bản Nậm San 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé được biết đến là bản tái định cư với hàng chục hộ dân người dân tộc Mông di chuyển từ huyện Mường Chà và Tủa Chùa tới sinh sống quần cư; cuộc sống của bà con quanh năm khó khăn, đói nghèo do chưa được phân chia đất nông nghiệp đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50%. Nhưng mục sở thị nơi này, chúng tôi mới rõ hơn, nguyên nhân cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng không hẳn là do thiếu đất sản xuất, mà phần lớn vẫn ở ý thức lao động của đại bộ phận bà con trong bản. Với tính trông chờ, ỷ lại vào mọi sự trợ cấp mà chưa chịu khó làm ăn, thay đổi cuộc sống. Bên cạnh đó, việc sinh đẻ không có kế hoạch cùng tập quán lạc hậu cũng cản trở sự phát triển kinh tế gia đình và khiến Nậm San 2 trở thành bản nổi tiếng trong huyện Mường Nhé với cái tên là bản “trên 3 con”.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nheo nhóc những đứa trẻ, ông Vừ Sái Lầu, Trưởng bản Nậm San 2 buồn rầu, nhận định: “Năm nay, chính quyền huyện đã bố trí, phân chia lại đất sản xuất cho bà con trong bản rồi, nhưng bà con vẫn chưa chịu khó làm ăn phát triển kinh tế đâu, thanh niên đến tuổi chỉ mải mê uống rượu còn phụ nữ thì đẻ nhiều, bận bịu chăm con cái, không đi nương rẫy được nên đói lắm, khổ lắm. Cũng may bản thường xuyên nhận được hỗ trợ từ chính quyền chứ không dân bản bỏ đi nơi khác ở hết rồi”.

 

Sinh đẻ không có kế hoạch cũng là nguyên nhân khiến cuộc sống của người dân bản Nậm San 2 vẫn khó khăn.

Được biết, bản Nậm San 2 có 75 hộ với trên 500 khẩu, tính ra, mỗi hộ có từ 6 - 8 khẩu. Nói về việc sinh đẻ, ông Lầu cho biết thêm, trong bản chỉ có 2 - 3 hộ sinh đẻ ít nhất là 3 con, còn lại các hộ khác trung bình từ 4 - 6 con. Riêng nhà trưởng bản Lầu cũng “khiêm tốn” với 4 con.

Cùng trưởng bản Lầu đi tham quan 1 vòng trong bản, chúng tôi thấy khá nhiều mảnh vườn không trồng trọt gì khiến cỏ mọc um tùm và nhiều ao tù cũng bị bỏ hoang. Được biết, khi phân chia đất ở cho bà con bản Nậm San 2, chính quyền các cấp đã hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn gia súc... đồng thời có chương trình hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi cụ thể, như: Bón phân sao cho hiệu quả, làm chuồng trại sao cho hợp lý... thế nhưng theo Trưởng bản Lầu, bà con vẫn chưa biết áp dụng vào thực tiễn và tư tưởng lười nhác, ý thức trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu vào tâm tưởng của họ, nên dù được hỗ trợ hàng năm, cuộc sống của dân bản đa phần vẫn không khấm khá hơn là mấy.

Từ sự giới thiệu của trưởng bản, chúng tôi vào thăm gia đình anh Vừ Đìa Sinh, 38 tuổi, là hộ nghèo có đông con nhất bản (với 8 đứa con). Dưới mái nhà tranh tiêu điều, xơ xác, anh Sinh đang ngồi uống rượu với 3 thanh niên khác. Nói chuyện với chúng tôi trong hơi thở nồng nặc mùi rượu, anh Sinh cho biết: “Nhà mình nghèo lắm, đất nương lại ở xa, không đi làm thường xuyên được. Mình cũng đi cấy, đi gặt thuê cho bà con các bản lân cận nhưng chưa tới vụ. Vợ mình thì sắp đẻ đứa con thứ 9, không biết có được hỗ trợ gì không cán bộ nhỉ?”.

Ngồi giữa gian nhà đất trống trải, không có đồ đạc gì, là chị Lầu Thị Cại, vợ anh Sinh, mới ngoài 30 tuổi nhưng trông đã già nua, tiều tụy hơn tuổi khá nhiều. Ngoài bụng chửa to sắp đến tháng đẻ, chị Cại đang bế đứa con nhỏ chừng 2 tuổi trên tay đang ngồi chơi cùng 2 đứa nhỏ khác tầm 4, 5 tuổi không mặc đủ quần, áo. “Mấy đứa lớn đi học cả rồi, có đứa học bán trú nên được ở trường thỉnh thoảng mới về, nhà thì chẳng đủ ăn, đủ mặc, nhưng có ai cấm mình đẻ con đâu, mà lỡ rồi, thế là cứ đẻ thôi” - anh Sinh cười, cho biết thêm.

Cũng giống như anh Sinh, những thanh niên ngồi uống rượu với anh đều là các ông bố trẻ, to khỏe, vạm vỡ và có đông con, nhưng thường ngày họ không có việc gì ngoài ngồi nhậu, thỉnh thoảng có ai thuê, mướn thì đi làm công. Cuộc sống gia đình họ cứ bếp bênh, trôi nổi năm này qua năm khác và trông mong vào sự hỗ trợ, trợ cấp để sinh sống.

Được biết, ngay khi thành lập, bản Nậm San 2 đã được quan tâm đầu tư, tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, hệ thống điện, đường, trường, trạm, như: Xây dựng đường bê tông kéo vào tận nhà dân, hệ thống nước sinh hoạt và điện lưới quốc gia đảm bảo. Bản Nậm San 2 có 2 điểm trường (mầm non và tiểu học), 1 nhà văn hóa bản và 1 trạm y tế, tính ra bản đã cơ bản đầy đủ điều kiện hơn một số bản khác trong huyện Mường Nhé, vậy mà nhiều năm rồi, việc phát triển kinh tế, đời sống của người dân vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Nói về thực trạng này, ông Chu Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cũng thở dài ngao ngán: “Chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, thậm chí cho cán bộ khuyến nông, cán bộ văn hóa, cán bộ phụ nữ vào bản hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt, vận động sinh đẻ có kế hoạch, nhưng do tập quán lâu đời từ địa phương cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con, rất khó thay đổi nên họ vẫn chưa chịu đổi mới”.

Cũng theo ông Sâm, để giải quyết tình trạng của bản Nậm San 2, không phải một sớm một chiều và cần có giải pháp lâu dài, quan trọng vẫn là sự vào cuộc phối hợp của các cấp ngành, trong việc tuyên truyền sâu rộng vào ý thức của đại bộ phận bà con và đẩy mạnh công tác kế hoạch hóa gia đình giúp bà con tập trung lao động, phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top