Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bánh trung thu

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

09:04 - Thứ Tư, 14/09/2016 Lượt xem: 3249 In bài viết
ĐBP - Bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp rằm tháng 8. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam từ bao đời nay. Tuy nhiên, những năm trở lại đây trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm bánh làm giả, làm nhái và có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), để lại nhiều hậu quả khôn lường cho người tiêu dùng.

Dạo quanh thị trường TP. Điện Biên Phủ những ngày này, chúng tôi cảm nhận không khí trung thu đang “nóng” lên từng ngày. Các cửa hàng kinh doanh tạp hóa đã bày bán các loại bánh trung thu, kẹo, nước giải khát, đồ chơi trẻ em… phục vụ Tết Trung thu rất phong phú và đa dạng. Anh Nguyễn Thành Trung, chủ cửa hàng bánh trung thu, cho biết: Trung thu năm nay, anh đã nhập bánh Trung thu từ giữa tháng 7, chủ yếu của các hãng, như: Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị... Bánh Trung thu năm nay khá đa dạng về mẫu mã và hương vị. Giá bánh cũng tùy từng loại, rẻ nhất là gần 30 nghìn đồng/cái. Rất nhiều khách hàng đã đặt mua bánh từ rất sớm, chủ yếu là khách hàng mua phục vụ gia đình trong dịp Tết Trung thu.

Ông Vũ Văn Long, Trưởng phòng Y tế TP. Điện Biên Phủ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATVSTP thành phố), cho biết: Trên thị trường TP. Điện Biên Phủ hiện nay không chỉ có bánh trung thu, như: Bánh dẻo, bánh nướng theo truyền thống mà nhiều nhà sản xuất đã tung ra thị trường các loại bánh có màu sắc hấp dẫn, hình thù lạ mắt, các con vật, nhân vật hoạt hình... nhắm vào đối tượng trẻ em; việc sử dụng màu thực phẩm, chất phụ gia độc hại trong các sản phẩm này là rất khó kiểm soát. Bánh Trung thu đặc thù chỉ sản xuất theo thời vụ, không bảo quản được lâu do nhân bánh làm từ thịt, trứng... khi gặp thời tiết nắng, nóng rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Do đó, khâu bảo quản sản phẩm cũng rất quan trọng; không thể nhìn vào giá thành để đánh giá chất lượng sản phẩm. Bánh Trung thu an toàn cần đảm bảo các tiêu chí, như: Có giấy tờ chứng nhận chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đầy đủ tem, mác; có ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng; không bị ẩm mốc. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 100 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, trong đó hơn 30 cơ sở sản xuất liên quan đến phục vụ trung thu (bánh, kẹo...); các cơ sở sản xuất này về cơ bản làm đúng tiêu chuẩn, nguyên liệu.

Để giảm thiểu hàng kém chất lượng, mất vệ sinh, gây ngộ độc trong Tết Trung thu, kịp thời phát hiện, xử lý ngăn chặn các trường hợp vi phạm; vừa qua UBND TP. Điện Biên Phủ đã ban hành văn bản triển khai đảm bảo ATVSTP dịp Tết Trung thu; xây dựng các nội dung tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, treo băng rôn tại các tuyến đường chính... Đồng thời, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, gồm: Phòng Y tế, Phòng Kinh tế, Công an, Đội Quản lý thị trường số 1... tiến hành kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, nhãn mác, hạn sử dụng và chất lượng sản phẩm; hồ sơ công bố tiêu chuẩn, chứng nhận hợp quy, xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện bắt buộc phải công bố. Trong đó, chú trọng các mặt hàng phục vụ trong dịp Tết Trung thu (bánh nướng, bánh dẻo, kẹo, hoa quả, nước ngọt...). Cũng theo ông Vũ Văn Long, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua bánh ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện về ATVSTP, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng; không sử dụng bánh đã mốc, hỏng...

Cơ quan chức năng đã nỗ lực, tăng cường giám sát, xử lý vi phạm về ATVSTP phục vụ Tết Trung thu, song để tự bảo vệ mình, tránh những trường hợp ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra, người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, cần sự nỗ lực từ nhiều phía: Cơ quan chức năng; người sản xuất, bảo quản, buôn bán thực phẩm và cả người tiêu dùng.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top