Vấn đề cấp Giấy phép lái xe mô tô hạng A1

Phải thi và thi đỗ mới được cấp

14:32 - Thứ Sáu, 23/09/2016 Lượt xem: 3671 In bài viết
ĐBP - Vài thập niên gần đây, nhờ đồng vốn của hàng loạt các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của Chính phủ, bộ mặt nông thôn miền núi đã và đang có nhiều đổi thay quan trọng. Tại không ít địa bàn vùng sâu vùng xa, sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng và nhất là hệ thống giao thông nông thôn, đã góp phần đáng kể rút ngắn dần khoảng cách giữa các vùng miền cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng...

Thực trạng giao thông trong tỉnh

Theo thông tin được cung cấp bởi ông Tống Duy Kim (Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải): Tại thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến quốc lộ (QL6, QL12, QL12 kéo dài, QL279, QL279B, QL279C và QL4H) với tổng chiều dài 752,5km. Tỉnh lộ có 18 tuyến với tổng chiều dài 607,2km; đường đô thị có 206,0km; đường tuần tra biên giới có 4 tuyến với tổng chiều dài 74,2km; đường huyện có 113 tuyến với tổng chiều dài 1.168,1km; đường xã có 1.880,2km; đường dân sinh và đường chuyên dùng có 3.456,2km (trong đó 3.284,8km đường dân sinh và 171,4km đường chuyên dùng).

 

Lớp học Luật GTĐB do Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông - Vận tải) tổ chức.

Tóm lại, trong toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh Điện Biên, chiếm khoảng 4/5 tổng chiều dài là các con đường liên thôn liên bản. Thực tế, đây là những tuyến đường tạm, không tên gọi, độ dài ngắn tuỳ theo cự ly giữa các làng bản, nền đường phần lớn bằng đất, rộng chừng trên dưới 2 mét. Do ảnh hưởng của địa hình địa vật, có lúc con đường như một sợi tơ trời vắt hững hờ trên chín tầng mây. Lại lắm khi đường chui xuống vực, mất hút trong những thung sâu rậm rạp âm u. Có con đường chiều hôm trước còn sử dụng ngon lành, vậy mà chỉ qua một đêm mưa, sáng hôm sau đã sạt lở hàng chục đoạn. Gặp trường hợp như thế, những làng bản này sẽ bị “cô lập” với bên ngoài trong khoảng thời gian không thể biết trước. Lại nhớ cách đây mấy năm tại Đội sản xuất số 8 (Nông trường 2 - Đoàn KT-QP 379, Bộ Chỉ huy Quân sự Điện Biên), xảy ra một chuyện đặc biệt hy hữu và rất đau lòng: Đêm ấy, trung tá Hoàng Văn Hoa (Trợ lý Dân vận) đau bụng dữ dội, anh em thay nhau khiêng tắt theo con đường mòn ra Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Chà. Nhưng trời mưa đã mấy ngày ròng rã, một ngọn núi bất ngờ đổ xuống lấp mất đường đi. Tất cả cán bộ chiến sỹ nông trường và nhân dân mấy bản cùng nỗ lực hót sạt thông đường. Gần hai ngày sau thì... đường thông nhưng buồn thay, căn bệnh xuất huyết dạ dày không cho viên sỹ quan chờ lâu hơn được nữa. Thay vì đi viện thì anh được đồng đội thuê ô tô đưa về cánh đồng quê mẹ ở thôn Y Ngô, xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ anh em trong Đoàn KT-QP 379 mà nhân dân địa bàn ai cũng tiếc thương anh...

Biểu hiện của “nền văn minh vật chất”

Với hầu hết đồng bào vùng sâu vùng xa, dù con đường chưa như mong muốn chăng nữa, thì đây vẫn được coi là biểu hiện vật chất của “nền văn minh giao thông vùng cao” - Một nền văn minh vượt quá xa khả năng tài chính làng bản, vượt ra ngoài những bóng núi hùng vĩ nhất trong vùng. Cùng với con đường của địa phương thì kinh tế của nhiều hộ nông dân cũng ít nhiều được nâng lên, để rồi cái xe máy xuất hiện và đang là “hung thần” trên những dặm dài mù mịt sơn khê. Hàng nghìn đời nay, phương tiện đi lại sang trọng và tiện ích nhất với đồng bào vùng cao Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, đó là các con tuấn mã với những bước truy phong. Nhưng từ khi giao thông về bản, con ngựa ăn cỏ dần dần được thay bằng “con ngựa ăn xăng”. Hơn thế, “con ngựa ăn xăng” còn được xem là thứ tài sản giá trị lớn, là “tiêu chí cứng” để phân loại hộ giàu, để đánh giá tư duy kinh tế của mỗi gia đình.

Chẳng biết từ bao giờ phong trào nhà nhà mua xe máy và người người đi xe máy, vô hình trung làm cho các làng bản rộn ràng lên và sinh động hẳn lên. Trên các triền núi hẻo lánh, bấy lâu chỉ có tiếng vó câu lộc cộc và thường chỉ vào những buổi chợ phiên; giờ là tiếng xe máy phân khối cao nổ giòn tan, khói xanh lẫn vào sương trắng, những chân số giận tới cùng và những tay ga vê hết cỡ vào bất cứ lúc nào. Con ngựa ăn cỏ tuy đi chậm nhưng là chậm chắc, không “giở chứng” dọc đường và cái ưu thế hơn hẳn của loại “phương tiện” này là chuyến nào cũng tới đích an toàn. Còn “con ngựa ăn xăng” với vận tốc mỗi giờ 50km - 60km, thì việc đi nhanh là rõ ràng rồi. Nhưng khổ nỗi trong vô vàn những chuyến rong ruổi cung mây ấy, có những chuyến không đến đích mà cũng không quay về nơi xuất phát, thay vì rẽ ngang vào một cơ sở y tế cấp xã thấp thỏm nằm chờ... tử thần rủ lòng thương?

Ngay dù có mệnh hệ nào, thì chỉ riêng việc vào được bệnh viện thôi, phúc đức nhà ấy cũng còn lớn chán. Có trường hợp ở huyện nọ, một thợ săn báo là phát hiện bộ xương người dưới khe sâu. Lúc đầu ai cũng nghĩ đó là một vụ án mạng, nhưng hoá ra cuối cùng lỗi bởi nạn nhân “tự kết thúc mình” bằng một cú... phi xe. Cái xác đã hoại tử từ lâu, con xe nằm cách đấy vài chục mét và chỉ còn là đống sắt hoen gỉ, trong người nạn nhân không có bất cứ thứ giấy tờ tuỳ thân nào. Tất nhiên, vấn đề xác định tung tích nạn nhân không khó khăn lắm với cơ quan chức năng, vì đấy là trường hợp hi hữu. Nhưng không ai dám đảm bảo là trường hợp cuối cùng, khi mà vẫn tồn tại tình trạng nhiều nhà mua xe không cần đăng ký hoặc chậm đăng ký; nhiều người dùng xe không cần giấy phép lái xe (GPLX) hoặc chậm tham gia thi lấy GPLX như hiện nay.

Không chỉ cấp GPLX hạng A1

Để tìm hiểu về công tác cấp phép GPLX trên địa bàn tỉnh, hơn đâu hết chúng tôi tìm đến Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái - Sở Giao thông - Vận tải. Sau ít phút trao đổi, ông Trịnh Văn Minh - Trưởng phòng - cho biết: 6 tháng đầu năm 2016, các cơ sở đào tạo, các phòng ban chức năng của các huyện, thị, thành phố đã phục vụ tốt nhu cầu học Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), thực hành lái xe và thi lấy GPLX hạng A1 của nhân dân các dân tộc. Đã đào tạo 10 khóa lái xe mô tô cho 3.209 người tham gia học Luật GTĐB; đăng ký dự sát hạch 3.814 lượt người, vào thi 3.659 người, cấp GPLX hạng A1 cho 2.960 người (trong đó có 216 người là đồng bào dân tộc có trình độ học vấn quá thấp). Bên cạnh đó là thực hiện các nghiệp vụ cấp, đổi 9.175 GPLX mô tô; làm thủ tục đề nghị xác minh 113 GPLX các hạng; trả lời xác minh 59 GPLX. Đồng thời, thông qua công tác cấp, đổi GPLX đã phát hiện và xử lý thu hồi 76 GPLX giả. Mức thu lệ phí sát hạch được thực hiện theo đúng quy định hiện hành và đã được thông báo công khai, rõ ràng tại nơi tổ chức đào tạo, sát hạch. Việc thu lệ phí do Phòng Tài chính - Kế toán của Sở thực hiện, phối hợp với bộ phận sát hạch. Thí sinh thi phần nào thì nộp lệ phí phần đó và nhận biên lai tương ứng với số tiền đã nộp. Qua kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, việc thu và sử dụng lệ phí sát hạch, cấp GPLX của Sở Giao thông - Vận tải được đánh giá là tuân thủ nghiêm túc theo các quy định hiện hành.

 

Một buổi sát hạch thực hành lái xe mô tô do Công ty Cổ phần Vận tải ô tô tổ chức.

Bằng sự phối hợp với Bưu điện tỉnh, việc chuyển phát GPLX tiếp tục được thực hiện và được đông đảo người dân đồng tình bởi ưu điểm giản tiện và đỡ chi phí, nhất là với những đối tượng người nghèo, hộ nghèo sinh sống tại các địa bàn vùng cao, biên giới. Thống kê sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh có 5.468/13.096 người sử dụng dịch vụ chuyển phát GPLX qua hệ thống Bưu điện; trong đó, 611/3.509 hồ sơ cấp mới và 4.857/9.587 hồ sơ cấp đổi. Theo ông Trịnh Văn Minh, về mặt giấy tờ, một chiếc xe máy lưu hành hợp pháp phải có đủ 3 thứ: Thẻ bảo hiểm, bằng lái (tức GPLX) và đăng ký xe. Trong đó, thẻ bảo hiểm và GPLX là “điều kiện cần và đủ”, để cơ quan công an cấp đăng ký sở hữu xe. Giữa 2 thứ này, GPLX quan trọng hơn và gian nan hơn, vì phải thi và thi đỗ mới được cấp. Với đa số bà con vùng cao, nếu phần thực hành họ dám “thách đố” cả các diễn viên đóng thế trong những phim đuổi bắt của Hollywood (Mỹ), thì riêng phần lý thuyết lại khó gấp trăm lần khi phải đọc những cái không mấy lý thú, nhất là với những nông dân thiểu số tuổi không còn trẻ nữa...

Bài, ảnh: Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top