Góc nhìn nhà báo

Lẽ đời “nhân nào quả ấy”

14:33 - Thứ Sáu, 23/09/2016 Lượt xem: 2987 In bài viết
ĐBP - Nhiều năm qua, cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách, triển khai các chương trình, dự án đầu tư, thì các lớp bồi dưỡng tri thức, huấn luyện tay nghề cho nông dân cũng được nhiều ngành chức năng, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều cơ sở triển khai thực hiện. Phải thừa nhận một cách khách quan, rằng những nỗ lực đó đã góp phần không nhỏ nâng cao trình độ sản xuất và mức thu nhập cho người lao động nói chung và nông dân nói riêng. Đặc biệt, với những lớp bồi dưỡng, tập huấn về nông nghiệp sẽ giúp cho người nông dân tiếp cận với các kiến thức khoa học tiên tiến, làm quen các giống cây trồng, vật nuôi mới và từ đó, từng bước thay đổi các tập quán canh tác, chăn nuôi truyền thống khó nhọc mà hiệu quả không như mong muốn.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều mô hình, chương trình, dự án áp đặt; không xuất phát từ nhu cầu sản xuất của địa phương cũng như người dân, chí ít là không phù hợp với “độ chênh” về tri thức, các điều kiện sản xuất cũng như tập quán vùng miền, dân tộc. Hệ quả của việc “có dự án thì triển khai dự án” là người nông dân không sẵn sàng hợp tác, thụ động và trông chờ đồng tiền hỗ trợ mà xem nhẹ mục đích tối thượng của mô hình, chương trình, dự án là trước hết, tăng cường nguồn lực kiến thức cho nông dân. Về quan điểm này, nếu ai muốn chia sẻ, xin hãy tìm hiểu một số mô hình, chương trình, dự án về dệt thổ cẩm, về chăn nuôi gia súc gia cầm, về gieo trồng các loại cây ăn quả cũng như cây công nghiệp... khắc biết “hiệu quả” kinh tế của nó ra sao và mai mốt, “hiệu ứng xã hội” sẽ thế nào?!

Ngoài ra, không khó khăn gì khi chỉ ra nhiều mô hình trình diễn nông nghiệp, những lớp tập huấn chỉ triển khai tại những thôn xóm, làng bản có điều kiện về giao thông. Thậm chí, có nơi hết chương trình, lớp học này lại đến lớp học, chương trình khác, hết nguồn vốn này lại có nguồn vốn khác rót vào. Trong khi nhiều thôn xa bản vắng, người nông dân mong cán bộ như cá mong nước, như hạn đợi mưa và chính tại những nơi này, những gì người nông dân được trang bị, giúp đỡ mới là thiết thực, mới phát huy hiệu quả đồng vốn, mới thể hiện được đầy đủ tính nhân văn của chương trình, dự án...

Nguyên nhân khiến vùng sâu, vùng xa tỷ lệ nghèo đói cao (nhất là từ khi xếp loại hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều), thiết nghĩ, một phần do các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công... không mấy khi tới được hoặc có tới cũng chỉ làm qua loa, đại khái. Trong số rất nhiều chương trình, dự án phát triển thì Chương trình xây dựng nông thôn mới được xem là một chương trình có quy mô lớn nhất về vốn và tầm ảnh hưởng rộng nhất về địa bàn thụ hưởng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những xã được chọn làm trước là những xã mà “điểm xuất phát” có nhiều thuận lợi, nhiều ưu thế và như vậy, những xã khó khăn hãy “đợi” đến lượt mình. Phải chăng đây cũng là điều mà chúng ta hay nói, đó là “bệnh” thành tích, phô trương?...

Mặt khác, khi có các nguồn vốn đầu tư, không ít nơi chính quyền cơ sở thường ưu tiên gia đình cán bộ trước, rồi đến thân bằng quyến thuộc nhà mình, sau cùng mới là những người nông dân cô thân cô thế. Hơn nữa, cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và thực tế, khi chương trình, dự án, đề tài... triển khai thì trống giong cờ mở, quay phim chụp ảnh rầm rộ, báo chí các loại hình tha hồ ngợi ca. Nhưng lúc kết thúc thì không thấy tăm cá bóng chim, có nơi nhà báo hỏi đến còn bị khước từ cung cấp thông tin. Từng có chương trình, dự án mấy tháng trước nhà báo gặp “yếu nhân” trong phòng lạnh với thái độ rất oai phong, đường bệ nhưng mấy tháng sau thì gặp nhau tại... tòa sơ thẩm với những cái nhìn ăn năn, ngượng ngùng và né tránh...

Âu cũng là một kết thúc công bằng, theo lẽ đời “nhân nào quả ấy”...

Song Sơn
Bình luận
Back To Top