Luẩn quẩn vòng xoay đông con - nghèo đói

09:48 - Thứ Năm, 29/09/2016 Lượt xem: 4755 In bài viết
ĐBP - Dưới mái nhà cũ kĩ, những đứa trẻ nheo nhóc, sàn sàn tuổi nhau ngơ ngác vì thiếu ăn, thiếu mặc; trong cùng một gia đình, cô, chú, cậu, dì ngang tuổi cháu, cùng nô đùa lem nhem bùn đất. Đó là cảnh chúng tôi thường thấy trong những chuyến công tác ở nhiều bản làng tại huyện vùng cao Mường Chà.

 

Vợ chồng ông Giàng A Nhè bên các con và cháu.

Ngôi nhà vách nứa chưa đầy 20m2 là nơi ở cho cả 7 người trong gia đình anh Giàng A Cở, bản Huổi Mí, xã Ma Thì Hồ. Khi chúng tôi đến, anh Cở đang thái măng rừng, chuẩn bị món ăn duy nhất cho bữa cơm trưa. Vợ anh ngồi thất thần trên giường với gương mặt xanh xao. Chị còn yếu vì vừa trải qua ca sinh nở nhưng không may, đứa trẻ vừa sinh ra đã mất. Hiện giờ, anh chị có 5 người con, đứa lớn nhất 12 tuổi, bé mới lên 3. Ngoài cô chị cả không đi học thì những đứa còn lại đều được đến trường vì ở đấy, chúng không chỉ được biết con chữ mà còn được ăn, mặc đầy đủ hơn ở nhà. Gia đình anh Cở chỉ có vạt nương nhỏ, mỗi năm thu được khoảng 30 bao thóc, cái ăn còn không đủ nên việc đầu tư cho con cái học hành càng vất vả. Tuy các cháu đã được Nhà nước hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí học tập, ăn ở tại trường nhưng mỗi khi năm học mới bắt đầu, anh vẫn lo ngay ngáy. Dù chỉ phải nộp vài chục nghìn hoặc cho con thêm vài đồng trước khi vào ở nội trú, anh cũng phải bán thóc, bán gà hoặc đi làm thuê kiếm tiền. Anh Cở bộc bạch: “Đẻ nhiều con khổ lắm, vợ chồng tôi không lo cho các con đủ cái ăn, cái mặc”. Nói thế nhưng khi hỏi về việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), anh cho biết, chưa từng sử dụng biện pháp tránh thai nào và cũng chưa có ý định dùng những biện pháp ấy.

Không riêng gì gia đình anh Giàng A Cở mà trung bình mỗi hộ dân trong bản Huổi Mí đều có 4-5 người con, đây là một trong những nguyên nhân khiến cả bản chỉ có 4/74 hộ thoát nghèo. Còn tính chung thì toàn xã cũng có không ít những trường hợp như vậy, vì thế mà xã Ma Thì Hồ bị điểm liệt trong tiêu chí số 9 về dân số - KHHGĐ trong Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã do Trung tâm Y tế huyện vừa chấm thử. “Phổ biến, thuyết phục bà con các bản vùng sâu, vùng xa sử dụng các biện pháp phòng tránh thai thực sự rất khó. Mặc dù, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền nội dung này trong các buổi họp bản, sử dụng loa phát thanh tiếng dân tộc nhưng người dân luôn lảng tránh, không mấy quan tâm. Kết quả là tỷ lệ trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên vẫn tăng.” - anh Lò Huy Trọng, Phó trưởng Trạm Y tế xã Ma Thì Hồ chia sẻ.

Còn tại xã Mường Tùng, đạt chuẩn quốc gia về y tế xã có lẽ càng xa vời hơn bởi trên địa bàn có không ít gia đình sinh đến 9-10 người con. Chúng tôi đến bản Huổi Chá, cách trung tâm xã khoảng 8km. Anh Giàng A Chính, trưởng bản cho biết: “Cả bản có 65 hộ, 100% là hộ nghèo. Trong đó có trên 75% hộ có 6 – 7 người con và 4 nhà có 9 – 13 người con”. Cùng anh Chính vào thăm nhà ông Giàng A Nhè, chúng tôi không khỏi bất ngờ với gần 10 đứa trẻ nhem nhuốc đang nô nghịch, đứa thì đang ở độ tuổi tiểu học, đứa chập chững biết đi, đứa vẫn phải địu trên lưng. Ông Nhè năm nay 46 tuổi, có 10 người con và 6 đứa cháu nội. Con trai cả của ông đã 24 tuổi, còn con út thì mới hơn 1 tuổi. Đẻ nhiều con nên không khi nào gia đình ông dư dả, không có tiền đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Rồi cũng vì cái nghèo, con ông phải ở nhà làm nương cùng bố mẹ, chỉ 5 đứa được đến trường. Cái vòng luẩn quẩn ấy giờ lại đang tiếp diễn, “truyền nối” từ đời bố sang đời con. Giàng A Phùa là con trai thứ 3 của ông Nhè. Sinh năm 1997 nhưng Phùa đã lấy vợ hơn 5 năm. Vợ Phùa đã 3 lần mang thai nhưng chỉ giữ được 1 người con và hiện giờ đang mang thai lần thứ 4. Phùa nói: “Em đã thấm thía cái nghèo lắm rồi, nhìn anh em trong nhà nheo nhóc, không đủ ăn, không có mặc, em không muốn sau này con mình cũng như thế”. Không muốn sinh nhiều con nhưng do tư tưởng ngại tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ nên các biện pháp phòng tránh thai còn rất lạ lẫm đối với những đôi vợ chồng như Giàng A Phùa.

6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Mường Chà có 206 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Một số địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao là: Huổi Mí (47,5%), Pa Ham (43,1%), Sá Tổng (40,2%), Mường Tùng (36,2%)... Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân gặp rất nhiều khó khăn dù các cán bộ, cộng tác viên dân số chịu khó “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, kiên trì gặp bà con nhiều lần để thuyết phục mà vẫn… chịu thua. Bác sỹ Điêu Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ kể cho chúng tôi nghe nhiều về quá trình truyền thông, có không ít trường hợp, cán bộ y tế giải thích hết nước, hết cái, người vợ mới đồng ý dùng thử biện pháp tránh thai như đặt vòng, nhưng ngay sau đó, người chồng dẫn vợ đến tận cơ sở y tế, bắt tháo vòng và đứng bên theo dõi, do tư tưởng muốn để mọi thứ thuận theo tự nhiên, con cái là của trời cho. Người dân thì có vô vàn lý do để không thực hiện các dịch vụ phòng tránh thai, vì vậy công việc của cán bộ dân số - KHHGĐ càng thêm nặng nề. “Giải pháp trong thời gian tới vẫn tập trung truyền thông, thay đổi nhận thức cho người dân, cùng với đó là huy động sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể xã. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức truyền thông cho cán bộ 10/11 xã (riêng xã Huổi Mí chưa vào được do điều kiện giao thông) với mục đích để chính sách dân số - KHHGĐ được quan tâm, có sự chỉ đạo sát sao, nghiêm túc hơn nữa từ chính quyền địa phương xuống đến thôn, bản và từng hộ dân.” – bác sỹ Duyên chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top