Làm tốt công tác điều tra để đào tạo nghề phù hợp nhu cầu thực tế

08:25 - Thứ Sáu, 23/12/2016 Lượt xem: 3416 In bài viết
ĐBP - Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là làm tốt công tác điều tra, rà soát và dự báo nhu cầu dạy nghề. Từ khi triển khai Đề án 1956 đến nay, tỉnh ta đã tổ chức 1 cuộc điều tra, khảo sát với quy mô cấp tỉnh; 40 cuộc điều tra, khảo sát quy mô cấp huyện, xác định được trên 38.600 người có nhu cầu học nghề (trong đó nhu cầu học nghề lĩnh vực nông nghiệp chiếm 79,06%). Qua đó, xác định các nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện công tác điều tra, rà soát và dự báo nhu cầu dạy nghề, hàng năm tỉnh đã chỉ đạo tiến hành khảo sát bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu học nghề thực tế của người lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch phù hợp với việc dạy nghề. Trên địa bàn tỉnh ta, kết quả khảo sát cho thấy: 100% cấp xã được khảo sát có ban chỉ đạo thực hiện Đề án, các thành viên ban chỉ đạo nắm được nội dung, chính sách của Đề án. 100% xã được khảo sát đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn, trong đó có quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nghề ở địa phương. 77,3% lao động nông thôn tham gia học nghề để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất; 16,93% lao động học nghề để làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; 0,59% lao động học nghề để cung cấp sản phẩm cho hợp tác xã, doanh nghiệp (được hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm); 5,18% lao động học nghề để nắm thêm kiến thức; 100% người học nghề nắm được các chính sách hỗ trợ về dạy nghề cho lao động nông thôn. Việc xác định danh mục nghề đào tạo, nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, doanh nghiệp được triển khai khảo sát trực tiếp người lao động từ cấp xã, cấp huyện, sau đó tổng hợp trình tỉnh xem xét, quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch năm.

Qua khảo sát thực tế đã xác định cụ thể nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề; từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm sát thực tế, đồng thời có định hướng cho phát triển đào tạo nghề của tỉnh những năm tiếp theo. Cùng với đó, trong quá trình khảo sát đã tuyên truyền, vận động người lao động thay đổi xác định lựa chọn nghề phù hợp nhóm tuổi, phù hợp định hướng phát triển kinh tế của gia đình và phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo từng địa phương.

Ông Hà Quang Minh, Phó trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Ngoài những kết quả đạt được, công tác điều tra, rà soát và dự báo nhu cầu dạy nghề trên địa bàn tỉnh còn gặp phải nhiều hạn chế, bất cập như: chưa thống kê, rà soát được kịp thời; độ chính xác về số lao động sau khi học nghề làm đúng với nghề được đào tạo, gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo, gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ khá, lao động nông thôn chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp sau học nghề chưa cao; kết quả khảo sát một số xã chưa phản ánh đúng nhu cầu học nghề của người lao động; một bộ phận người lao động chưa xác định được nghề đào tạo phù hợp với bản thân, gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vẫn còn tình trạng người lao động đăng ký học nghề theo phong trào.

Để khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao chất lượng công tác điều tra, rà soát và dự báo nhu cầu dạy nghề, thời gian tới, trong quá trình xây dựng kế hoạch, quy hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn, cần tiến hành khảo sát thực tế và phải xuất phát từ nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát lại danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng để phê duyệt lại cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”. Mở rộng quy mô và hình thức dạy nghề với các ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đức Huy
Bình luận
Back To Top