Mức hưởng BHYT khi sinh con trái tuyến

08:35 - Thứ Sáu, 30/12/2016 Lượt xem: 3003 In bài viết
Hỏi: Vợ tôi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của thân nhân người có công với cách mạng. Vợ tôi sinh con tại Bệnh viện phụ sản Trung ương Hà Nội nhưng không có giấy giới thiệu từ bệnh viện tuyến dưới thì được BHYT chi trả bao nhiêu phần trăm chi phí?

TRẢ LỜI: Điểm i, k, Khoản 3, Điều 12  Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách Nhà nước đóng như sau:

“Điều 12. Đối tượng tham gia BHYT

3. Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, bao gồm:

i) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;

k) Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại Điểm i khoản này”.

Theo quy định này thì vợ bạn được ngân sách Nhà nước đóng BHYT và được hưởng 100% chi phí nếu khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Trong trường hợp vợ bạn không có giấy chuyển tuyến của bệnh viện tuyến dưới tức là vợ bạn đi khám, chữa bệnh trái tuyến lên tuyến Trung ương. Theo đó, mức chi trả của BHYT trong trường hợp của vợ bạn được quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014, cụ thể:

“Điều 22. Mức hưởng BHYT

3. Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại Khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều này:

a) Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú”.

b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2021 trong phạm vi cả nước;

c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám, chữa bệnh, từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12/2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/ 1/2016.

Như vậy, khi vợ bạn sinh con trái tuyến ở bệnh viện Trung ương và điều trị nội trú thì sẽ được hưởng 40% chi phí điều trị.

Trần Minh Lợi (BHXH tỉnh)
Bình luận
Back To Top