Vấn đề hôm nay

“Cấm tặng quà tết cho cấp trên”

09:10 - Thứ Sáu, 06/01/2017 Lượt xem: 3602 In bài viết
ĐBP - Là một trong những nội dung Chỉ thị 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngày 29/12/2016 về việc tổ chức Tết Đinh Dậu 2017. Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân vui xuân, đón Tết Đinh Dậu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng cao, biên giới; đồng thời, rà soát các đối tượng đói giáp hạt, khó khăn trong dịp tết để tổ chức hỗ trợ kịp thời, không để người dân không có tết. Việc tổ chức các lễ hội xuân, các địa điểm vui chơi giải trí được khuyến khích song phải đảm bảo đúng tinh thần vui tươi, tiết kiệm, an toàn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, thực hiện nghiêm chủ trương cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức; không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp tết, lễ hội... Chỉ thị được phát đi nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Đặc biệt với yêu cầu, thực hiện nghiêm chủ trương cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức; không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách” Ban Thường vụ Tỉnh ủy gửi đi một thông điệp về quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ để từng bước xây dựng một hệ thống hành chính liêm chính, phục vụ. 

Như chúng ta đã thấy, chúc tết, mừng tuổi là phong tục truyền thống lâu đời của người Việt. Chúc tết là hành động thể hiện sự biết ơn, kính trọng của người dưới đối với người trên, của con cái đối với bố mẹ, của con cháu đối với ông bà, cô bác trong họ tộc. Chúc Tết còn là hành động biểu hiện sự biết ơn với người đã có công dạy dỗ ta nên người như là học trò chúc tết thầy cô giáo. Nhưng buồn là lâu nay, việc chúc tết ở nhiều nơi đã bị biến tướng, là dịp để nhiều người “lấy lòng” cấp trên. Nhiều người đã coi tết như là một dịp để công khai đến nhà, đến văn phòng với quà biếu, phong bì. Bởi thế mà tết dần trở thành một cái cớ tốt cho những kẻ cơ hội,  lợi dụng để có cái bắt tay hứa hẹn. Nhiều người dù không muốn cũng phải vất vả, lao tâm khổ tứ cho quà tết. Đối với người dân, việc cán bộ, công chức bỏ thời gian, công sức đi chúc tết lãnh đạo đã là phản cảm chứ chưa nói đến cả những “phong bao, phong bì”. Do vậy mà quy định “cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức” đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Chỉ đạo là thế nhưng vấn đề quan trọng đặt ra trên thực tế là thực hiện cách nào? Ai là người buộc phải thực hiện để làm gương và nêu gương? Điều này cũng là điều nhân dân thực sự quan tâm. Bởi như vẫn biết, đã nhiều năm nay cứ mỗi độ tết đến xuân về, từ Trung ương đến địa phương đều ban hành văn bản chỉ đạo, thậm chí giám sát kiểm tra đơn vị trực thuộc và thuộc cấp thực hiện nghiêm chỉ đạo này, nhưng thực tế việc làm theo chỉ đạo còn biểu hiện chưa nghiêm ở nhiều nơi lại không bị lên án hay xử lý. Nhận thấy thực tại này, trong Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt nhấn mạnh vai trò người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để mọi người học tập, làm theo. Điều này một lần nữa khẳng định, quy định nghiêm cấm “tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức” bắt đầu được thực hiện từ người đứng đầu. Người đứng đầu làm nghiêm tự khắc cán bộ, đảng viên dưới quyền sẽ rọi vào học tập làm theo và đương nhiên nhân dân - những người sống quanh ta sẽ coi đấy là hành động làm gương thuyết phục, đáng kính nhất.

Lê Anh
Bình luận
Back To Top