Triển khai Kế hoạch 420/2017/KH-UBND của UBND tỉnh

Di cư tự do, nguyên nhân của nhiều nguyên nhân

09:10 - Thứ Năm, 04/05/2017 Lượt xem: 7409 In bài viết

Kỳ 2: Mường Nhé trên... bàn nghị sự

ĐBP - Sau chuyến đi thực tế dọc 6 xã biên giới của huyện Mường Nhé, trở về thành phố Điện Biên Phủ chỉ mấy ngày và như một “cơ duyên” nghề nghiệp, tôi may mắn được dự một hội nghị với nội dung mà mình đang rất quan tâm. Đó là hội nghị bàn giải  pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện Kế hoạch 420/KH-UBND ngày 22/2/2017, do UBND tỉnh tổ chức chiều 21/4/2017, tại trụ sở Công an tỉnh...

Đúng như tiêu đề đặt ra của hội nghị: “Thống nhất giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Kế hoạch số 420/KH-UBND của UBND tỉnh Điện Biên, về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé năm 2017”; cử tọa là những đồng chí với vai trò lãnh đạo, đại diện cho các ngành hữu trách và các địa phương liên quan. Mở đầu hội nghị, phát biểu của đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - chính là những ý kiến chỉ đạo trọng tâm và xuyên suốt hội nghị. Theo đó, Kế hoạch 420 đã triển khai thực hiện được gần 2 tháng, đạt nhiều kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ một số vấn đề phát sinh cần được hội nghị bàn bạc, thảo luận thật dân chủ, trách nhiệm để đưa ra những phương án tháo gỡ kịp thời, phù hợp và hiệu quả nhất. Dù cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé và các tổ công tác đã rất tích cực nhập cuộc, song đến nay nhìn chung hiệu quả thực sự chưa như mong muốn, chưa theo kịp diễn biến tình hình trong các điểm có dân di cư tự do (DCTD) cũng như dân sở tại cư trú. Vì vậy, hội nghị hôm nay thêm một lần chúng ta cùng bàn thảo, yêu cầu từng ngành, từng cấp tham mưu cho tỉnh cách làm hay nhất, linh hoạt nhất, hiệu quả nhất không chỉ về kinh tế mà cả về an sinh và chính trị - xã hội.

 

Lực lượng biên phòng tổ chức họp dân, tuyên truyền về không di cư tự do, không săn bắn động vật hoang dã và phá rừng trái phép. Ảnh: Thành Trung

Thay mặt ban Giám đốc Công an tỉnh (cơ quan thường trực chủ trì thực hiện Kế hoạch 420/KH-UBND), đại tá Lò Văn Khụt (Phó Giám đốc Công an tỉnh), trình bày báo cáo (ngày 21/04/2017) của Công an tỉnh, về kết quả sau gần 2 tháng thực hiện Kế hoạch 420/KH-UBND và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Để làm rõ hơn một số nội dung Báo cáo của Công an tỉnh, thiếu tướng Sùng A Hồng - Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh - cho rằng khó khăn nhất hiện nay ở Mường Nhé là về quỹ đất, cả đất ở và đất sản xuất. Chính vì khó khăn trong thủ tục cấp đất dẫn đến khó khăn trong việc cấp sổ hộ khẩu và làm chứng minh thư cho nhân dân. Mặc dầu cơ quan Công an tỉnh và Công an huyện Mường Nhé đã cố gắng với tinh thần cao nhất, song nhiều trường hợp thật khó xác nhận nơi xuất cư của dân DCTD, Công an tỉnh đã nhiều lần gửi công văn đề nghị các địa phương xác nhận thông tin nhưng hầu hết không hồi âm. Dân DCTD nhiều người không biết chữ, chuyện dựng vợ gả chồng diễn ra hết sức vô tư. Vướng nhất là về con số 181 hộ với 947 nhân khẩu từ các tỉnh di cư đến Mường Nhé (sau thời điểm 30/4/2011) nhưng chưa có đất ở và đất sản xuất, nhất là họ không đủ điều kiện thủ tục hành chính và thủ tục pháp lý để nhập cư vào Mường Nhé. Mặc dù ngày 31/03/2017, UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản số 870/UBND-KTN, gửi UBND tỉnh Sơn La và UBND tỉnh Lai Châu với nội dung trao trả số hộ này về hai tỉnh. Nhưng đến nay, không tỉnh nào trả lời đồng ý tiếp nhận trở lại số dân của chính địa phương họ đã đến Mường Nhé một cách bất hợp pháp, bằng con đường DCTD trước đó... Khép lại ý kiến của mình, thiếu tướng Sùng A Hồng nêu một quan điểm khiến nhiều đại biểu xúc động: “Xử lý gì thì xử lý, tóm lại, họ là dân của ta cả thôi”...

Sau phần trình bày của thiếu tướng Sùng A Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đề nghị các đại biểu thảo luận tìm nguyên nhân vì sao đất chưa thể quy chủ được. Có tình trạng như dân ở nơi này (xã Chung Chải), nhưng lại làm nương ở nơi khác (xã Leng Su Sìn). Nhìn chung dân không đủ đất canh tác, trong khi việc chúng ta đề nghị các tỉnh nhận dân trở lại coi như bất khả thi. Theo báo cáo của Công an tỉnh, vừa qua chúng ta đã khởi tố 14 vụ với 15 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 30 vụ với 58 đối tượng; đang tiếp tục điều tra, xác minh 27 vụ với 35 trường hợp. Đề nghị các cơ quan pháp luật cần xem xét, vận dụng để 15 bị can (của 14 vụ án đã khởi tố), được hưởng mức án thấp nhất trong khung hình phạt. Hãy lấy phương châm răn đe, giáo dục làm chủ đạo thay cho ý chí trừng phạt, bởi vì suy cho cùng, họ đều là những người dân nghèo, cũng vì miếng cơm manh áo buộc họ phải làm thế chứ về “ý thức hệ” thì không có gì cả.

Vừa trở về từ địa bàn, phát biểu của đồng chí Nguyễn Quang Sáng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé - cho biết: Theo tài liệu năm 2008, trên địa bàn huyện Mường Nhé có tới 95% diện tích tự nhiên là rừng và đất có rừng. Từ khi dân DCTD khắp nơi đổ vào Mường Nhé, nhất là trong những năm cao điểm 2005 - 2010, đến nay đã hơn một nửa diện tích rừng tự nhiên của huyện biến mất trong sự nuối tiếc của tất cả chúng ta. Ước tính trên 65% dân số Mường Nhé là dân DCTD, đời sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào những nguồn hoa lợi không nhiều từ nương rẫy. Người dân DCTD nói chung và người DCTD dân tộc Mông nói riêng, có tập quán canh tác khoảng 2 - 3 năm chuyển đi nương mới một lần và đó là lý do để các cánh rừng mới tiếp tục bị chặt phá. Các xã Huổi Lếch, Pá Mỳ... được coi như không còn rừng, tại đây, cá biệt có hộ dân sở hữu tới 8ha rừng... Đề nghị tỉnh và các cơ quan chức năng cân nhắc thật kỹ các biện pháp xử lý sao cho thấu lý mà cũng đạt tình, hiệu quả không chỉ một mặt mà gồm nhiều mặt, nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều khu rừng không phải rừng nguyên sinh mà chỉ là nương tái sinh. Hiện nay, có một thực trạng là tại một số bản người dân không đi làm nương. Tìm hiểu thì được biết vì một nguyên nhân chung là bà con sợ đụng vào đâu cũng bị quy vào hành vi hủy hoại rừng. Nhiều người dân không có tư liệu sản xuất, thóc giống nhà nước cấp cho thì bán đi rồi. Hơn ai hết, Huyện ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng Mường Nhé rất trăn trở, bức xúc trước việc người dân phá rừng, nhưng cuộc sống của dân là vấn đề lớn chúng ta phải quan tâm. Năm canh tác đầu tiên, một hecta lúa nương thu khoảng trên dưới 1 tấn thóc, mùa sau và mùa sau nữa đất bạc màu, sản lượng giảm đáng kể so với năm thứ nhất và rồi cái “quy luật” chúng ta không muốn mà chính người dân cũng không muốn, đó là đi tìm chỗ khác làm nương mới. Thế là không có động cơ gì khác ngoài sức ép cơm áo, “điệp khúc” phá rừng lại được “tấu” lên trong những cánh rừng xa xôi, khuất nẻo. Quan điểm của huyện là ai phá rừng nguyên sinh thì phải bị xử lý về mặt luật pháp, nhưng cần đề cao tính răn đe, giáo dục và đó chính là bản chất nhân đạo của pháp luật Việt Nam.  

Đại diện cho đơn vị là thành viên phối hợp tham mưu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch, đồng chí Hà Văn Quân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - cho rằng bên cạnh việc xử lý những đối tượng phá rừng, đề nghị cấp thẩm quyền cho chủ trương triển khai cấp đất nông nghiệp trên những khu đất có rừng bị phá. Khái niệm “nương chờ” không biết nên hiểu thế nào cho chuẩn xác và không quá khác biệt giữa người này với người kia, chẳng hạn là 3 năm, 5 năm hay 7 năm? Nếu thực hiện Thông báo số 120-TB/HU của Huyện ủy Mường Nhé cấp cho mỗi hộ 3ha đất rừng làm nương và nương luân canh (nương chờ từ 2012 đến nay) để tập trung canh tác, sản xuất, trồng rừng dẫn đến nhiều hộ lợi dụng thông báo để tiến hành đốt nương tại những điểm rừng bị phá trong năm 2017; các hộ dân thuộc Đề án 79 (cấp 2 ha/hộ) đòi thêm đất sản xuất mỗi hộ đủ 3ha như Thông báo 120-TB/HU. Nói cách khác, nếu thực hiện Thông báo 120-TB/HU thì không ngăn chặn được phá rừng và nguy cơ tiếp tục mất rừng là rất rõ. Với tư cách người đứng đầu ngành nông - lâm nghiệp của tỉnh, đồng chí Hà Văn Quân đề nghị cơ quan thẩm quyền cho thu hồi Thông báo 120-TB/HU...

... Sau trọn một buổi chiều làm việc liên tục và khá căng thẳng, hội nghị khép lại với một số vấn đề được kết luận nhưng nhiều vấn đề còn chờ câu trả lời cao nhất với những biện pháp tốt nhất. Trên địa bàn huyện Mường Nhé, có thể tình trạng phá rừng bước đầu được ngăn chặn và lượng dân DCTD đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, muốn hay không thì cuộc sống của những người “là dân của ta cả thôi” vẫn tiếp tục diễn ra, như hàng nghìn năm qua con suối Mo Phí chỉ chảy xuôi dòng...

Kỳ 3: Mường Nhé trong ký ức

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top