Ước vọng mơ hồ

10:36 - Thứ Năm, 08/06/2017 Lượt xem: 6296 In bài viết
ĐBP - Trong một phiên xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, đối tượng Lò Văn Toán, trú tại bản Hiệu 1, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo đã bị tuyên phạt 9 năm tù giam theo khoản 2, Điều 119/BLHS về tội mua bán người. Nghiên cứu cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và thông tin từ người nhà bị hại bên lề phiên tòa, có một tình tiết đáng quan tâm, đó là bị hại Lò Thị H. (một trong 2 nạn nhân đã bị đối tượng Toán lừa sang Trung Quốc, bán vào động mại dâm với giá 30 triệu đồng) là người đã từng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê cho một quán ăn giáp biên giới Việt - Trung. Lần này chị H. nghe theo lời Toán dụ dỗ, tiếp tục sang xứ người là do mong muốn cải thiện thu nhập.

 

Tin đồn về những ngôi nhà khang trang mới xây dựng ở trung tâm xã Chiềng Sinh nhờ thu nhập từ đi lao động ở Trung Quốc, đã khiến nhiều người dân trên địa bàn tin và chấp nhận rủi ro sang làm thuê nơi xứ người.

Để tìm hiểu cụ thể hơn về nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là phụ nữ, chấp nhận rủi ro về thân thể, sức khỏe, thậm chí nhân phẩm, tính mạng để mong kiếm được nhiều tiền hơn, chúng tôi đến Đồn Công an Búng Lao (Công an huyện Mường Ảng). Thượng úy Dương Hồng Phong, Phó đồn trưởng cho biết: Theo thống kê của các cơ quan chức năng, giai đoạn từ năm 2011 - 2015, việc người dân địa phương xuất cảnh trái phép ra nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng rất phức tạp, được tổ chức tinh vi, với số lượng đông người (có trường hợp người trong độ tuổi lao động cả bản cùng rủ nhau đi). Lực lượng công an đã tổ chức điều tra, khởi tố các đối tượng cầm đầu tổ chức người trốn đi nước ngoài. Điển hình như các vụ án Lò Thị Ngoan, Lường Thị Phiêu, cùng trú tại bản Xuân Tre 2; Lò Văn Tiêm, bản Búng 2 (cùng xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng). Thời gian gần đây, tình trạng này đã giảm nhưng việc kiểm soát người dân có xuất cảnh trái phép hay không lại trở nên khó khăn hơn. Hiện xã Búng Lao có 208 trường hợp người dân (trong đó có 61 phụ nữ) vắng mặt tại địa bàn. Khi đi họ vẫn chấp hành các điều kiện quy định về tạm trú, tạm vắng và thường đăng ký đi lao động ở các địa phương trong nước như: Hà Nội, Quảng Ninh... Nhưng khi người dân ra khỏi địa bàn rồi đi đâu thì chính quyền, lực lượng công an khó xác định được. Ngay như trong vụ án Lò Văn Toán, 2 nạn nhân (bị hại) cũng thuộc diện rời khỏi địa bàn, đi làm ở Quảng Ninh, rồi mới bị đối tượng Toán lừa bán sang Trung Quốc. Tại thời điểm này (tháng 6/2017), Lò Thị H. và Lường Thị H. cũng không có mặt ở nơi cư trú. Theo thông tin chúng tôi nắm được thì 2 người phụ nữ này đang đi “làm ăn xa”. Có một vấn đề khiến người dân, trong đó có không ít phụ nữ tin rằng: sang Trung Quốc có thể làm giàu. Căn cứ cho niềm tin đó là những lời đồn thổi trong dư luận về một số hộ có người nhà đi làm ăn ở Trung Quốc đã “phất” lên nhanh chóng, họ trở về đã mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền và đặc biệt là có tiền dựng được những ngôi nhà lớn, khang trang.

Theo lời Thượng úy Dương Hồng Phong, chúng tôi đến khu vực được người dân đồn thổi về những “ngôi nhà đổi đời” thuộc địa phận xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo (đoạn quốc lộ 279 giáp ranh xã Búng Lao, đối diện với trụ sở UBND xã Chiềng Đông). Đến một ngôi nhà 3 tầng, có mặt tiền rộng khoảng 10m nhìn ra quốc lộ 279, chủ nhà là chị Lò Thị Siêng, trú bản Bình Minh, xã Chiềng Đông. Trao đổi với chúng tôi, bà mẹ đơn thân 30 tuổi đang nuôi 2 con nhỏ này thừa nhận đã đi Trung Quốc làm ăn từ năm 2013 đến đầu 2016 thì về xây nhà. Công việc của chị bên kia biên giới là làm cho một nhà máy ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thu nhập ban đầu là 8 triệu đồng/tháng, sau thạo việc thì được nâng lên 10 triệu đồng/tháng. Chia sẻ về ngôi nhà, chị Siêng cho biết: Tôi về nước với ý định mở một nhà hàng nên mới làm ngôi nhà lớn như vậy, tiền đầu tư cũng phải vay mượn nhiều nơi chứ bản thân cũng chưa tích cóp đủ. Hỏi thêm về những ngôi nhà lớn bên cạnh có phải do chủ hộ đi Trung Quốc lao động kiếm tiền về xây dựng? Chị Siêng trả lời: Theo tôi biết thì cũng có hộ như vậy nhưng không phải tất cả, vả lại giữa tôi với họ không liên hệ gì với nhau!

Về việc người dân trên địa bàn đi Trung Quốc lao động, ông Quàng Văn Sung, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh cho biết: Thực tế trên địa bàn, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên tuy không khuyến khích nhưng việc bà con thoát ly đi làm ăn xa âu cũng là lý do, miễn sao mọi người tuân thủ đúng pháp luật là được. Đúng là một số hộ khu vực trung tâm xã có người đi Trung Quốc lao động, sau một thời gian thì họ cũng có đầy đủ các điều kiện pháp lý như: giấy tạm vắng, hộ chiếu... đồng thời mang được tiền về làm nhà, đầu tư kinh doanh. Còn việc họ sang đó làm gì, có vi phạm pháp luật 2 nước không thì chỉ họ biết hoặc khi bị các cơ quan điều tra phát hiện, xử lý thì chúng tôi mới nắm được!

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top