Khó giải “bài toán” việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

09:01 - Thứ Sáu, 09/06/2017 Lượt xem: 7570 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Tuần Giáo có số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp không xin được việc làm. Do vậy tác động lớn đến tư tưởng, nguyện vọng của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ra trường đã gần 7 năm với tấm bằng loại giỏi chuyên ngành mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên), nhưng em Lò Văn Minh, bản Sái Trong, xã Quài Cang vẫn chưa xin được việc làm. Ước mơ trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Em Lò Văn Minh tâm sự: “Ra trường từ năm 2011, em đã mang hồ sơ đi nhiều nơi để xin việc nhưng không nơi nào nhận. Bây giờ em đành ở nhà làm ruộng giúp bố mẹ, không biết đến bao giờ mới trả hết tiền vay ngân hàng chi phí cho học tập”. Tương tự là trường hợp em Lường Thị Thim (sinh năm 1993), ở bản Co Hón, xã Quài Tở. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Thim thi đỗ vào chuyên ngành sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (tỉnh Hải Dương). Mặc dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng gia đình đã cố gắng chu cấp để Thim theo học. Sau 4 năm đèn sách, Thim tốt nghiệp loại giỏi và trở về quê với hy vọng sớm được đứng trên bục giảng. Thế nhưng, sau nhiều năm tốt nghiệp, ước mơ chưa thành, Thim phải “gác” tấm bằng để cùng gia đình chăn nuôi, trồng trọt trả nợ số tiền vay mượn chi phí trong 4 năm học chuyên nghiệp.

 

Anh Lường Văn Lại, bản Lập, thị trấn Tuần Giáo tốt nghiệp Trường Cao đẳng nông - lâm Đông Bắc đã 7 năm nhưng chưa xin được việc làm.

Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Tuần Giáo, từ năm 2012 đến nay trên địa bàn huyện có 1.404 sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp chuyên nghiệp trở lên chưa có việc làm hoặc làm trái ngành nghề đào tạo; trong đó có 23 học sinh đi học theo chế độ cử tuyển nhưng mới chỉ có 7 sinh viên được bố trí việc làm. Không được bố trí việc làm, nhiều sinh viên phải rời quê đi làm thuê. Lò Thị Phượng, ở bản Nà Sáy 2, xã Nà Sáy tốt nghiệp loại khá, chuyên ngành tiếng Trung, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, bộc bạch: “Em ra trường năm 2014, học chuyên ngành tiếng Trung, về địa phương chờ bố trí công việc nhưng đến nay vẫn chưa có việc làm. Học đã tốn tiền của cha mẹ và Nhà nước trợ cấp nhưng ra trường lại không xin được việc theo chuyên môn. Buồn lắm nhưng em phải tự xoay sở để kiếm sống”.

Thực trạng nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm không chỉ ảnh hưởng đến bản thân các em và gia đình, mà còn đang tác động không nhỏ đến sự nghiệp giáo dục địa phương. Nhiều gia đình thấy trong xã, bản có người học đại học, cao đẳng ra trường không xin được việc làm thì ái ngại và nghĩ rằng học cao cũng không để làm gì, không xin được việc làm, vì vậy không mặn mà với việc học tập của con em. Đồng thời, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao cũng là bước cản không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều dễ nhận thấy là sự tốn kém về kinh tế cũng như thời gian. Theo tính toán, mỗi gia đình phải chi khoảng 200 triệu đồng cho 1 sinh viên theo học đại học trong thời gian 4 năm. Số tiền rất lớn so với thu nhập của gia đình mà phần lớn kinh phí này phải vay ngân hàng với dự định sau này có việc làm, thu nhập sẽ trả dần. Thế nhưng sinh viên ra trường thất nghiệp nên gia đình họ phải chật vật trang trải khoản nợ chi phí cho con học tập trước đó. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Chi nhánh huyện Tuần Giáo, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện đang có 727 học sinh, sinh viên vay vốn học tập với tổng dư nợ gần 18 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn gần 12 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên vay vốn đến thời hạn trả nợ nhưng chưa tìm được việc làm nên không thể trả nợ ngân hàng.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top