Đổi mới Pú Xi

08:45 - Thứ Sáu, 18/08/2017 Lượt xem: 10516 In bài viết
ĐBP - Cách đây đúng 5 năm (8/2012), xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) chính thức được thành lập trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo). Vạn sự khởi đầu nan, thời điểm ra “ở riêng”, tài sản lớn nhất mà xã Pú Xi được “kế thừa” là sự nghèo đói (tỷ lệ hộ nghèo gần 90%). Nhân lực của xã, các đoàn thể thiếu hụt, tất cả có hơn 20 người (gồm cả cán bộ chuyên trách và không chuyên trách), kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều; hạ tầng cơ sở thiếu thốn trăm bề; điện lưới quốc gia chưa có và đặc biệt là tuyến đường từ trung tâm xã Mường Mùn vào đến xã Pú Xi vẫn là đường dân sinh, chỉ đi được mùa nắng…


Một góc bản Hát Khoang, xã Pú Xi.

Thế nhưng, giờ đây Pú Xi đã khác, nhiều ngôi nhà mới mái lợp ngói đỏ tươi mọc lên san sát, người dân hăng say lao động sản xuất; các công trình trường lớp, bể nước sinh hoạt được đầu tư mới phục vụ giáo viên, học sinh và người dân. Bằng sự nỗ lực vượt khó, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, bà con trong xã đang từng bước xóa đói nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình. Bằng sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách, Pú Xi đã có bước chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả: cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm dần phương thức thuần nông, độc canh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và dịch vụ xã hội phát triển. Từ một xã mỗi năm thiếu hàng chục tấn lương thực, đến nay Pú Xi không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà còn sản xuất theo hướng hàng hóa. Hiện nay xã có gần 900ha lúa nương; gần 200ha ngô lai, sắn; đàn trâu của xã tăng từ 800 con năm 2014 lên hơn 1.000 con năm 2016, đàn lợn tăng lên hơn 1.500 con… Chính quyền xã cũng tích cực tạo điều kiện cho cán bộ, người dân đi học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn để áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tăng năng suất cây trồng. Nhờ đó, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi trâu bò, gà, lợn. Gia đình anh Giàng A Lử, bản Pú Xi 2 là một điển hình trong phát triển kinh tế. Ngay khi chuyển đến nơi ở mới, gia đình anh bắt tay vào chăn nuôi bò, gà thả vườn, trồng rừng… Đến nay, bình quân mỗi năm sau khi trừ các khoản chí phí gia đình thu nhập gần 50 triệu đồng.

Ông Lò Văn Thang, Chủ tịch UBND xã Pú Xi, cho biết: Những năm qua, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thì với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nên công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã đã có chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Với những giải pháp cụ thể, thiết thực của xã đã khuyến khích bà con tập trung phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Đến nay 7/10 bản được sử dụng điện lưới quốc gia, 98% trẻ em đến trường đúng độ tuổi, tỷ lệ phòng học các cấp được kiên cố hóa đạt 80%; trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang với đội ngũ cán bộ đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; tình an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định... Điều chính quyền xã băn khoăn nhất hiện nay là tuyến đường liên xã từ Mường Mùn vào trung tâm xã Pú Xi chưa được đầu tư, mỗi khi vào mùa mưa là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Vì vậy, để thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xã mong muốn các cấp, các ngành sớm đầu tư nâng cấp đường giao thông vào trung tâm xã để tạo điều kiện cho người dân giao lưu, phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top