Cẩn trọng với thức ăn đường phố

08:48 - Thứ Tư, 23/08/2017 Lượt xem: 8071 In bài viết
ĐBP - Sự phát triển nhanh chóng của loại hình kinh doanh thức ăn đường phố đã đáp ứng phần nào nhu cầu tất yếu của xã hội, đem lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Nhưng cũng tiềm ẩn những mối nguy hại về sức khỏe của người sử dụng nói riêng và cộng đồng nói chung từ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), đặc biệt là nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.

 

Hàng bán đồ ăn sẵn tự phát ngay sát đường đi lại tại khu vực chợ Mường Thanh.

TP. Điện Biên Phủ là nơi đông dân cư, các dịch vụ ăn uống phong phú, nhiều nhà hàng, quán ăn đảm bảo yêu cầu về VSATTP song cũng không ít cơ sở kinh doanh chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống. Dạo quanh đường Nguyễn Chí Thanh (thuộc phường Mường Thanh) hoặc các khu vực gần chợ, gần bệnh viện dễ dàng thấy hàng chục, thậm chí hàng trăm điểm bán hàng rong thức ăn đường phố, với các món ăn đa dạng, như: Bún, phở, cháo, bánh mì, nước giải khát… Điều đáng nói là những món ăn này được chế biến, bày bán mà không hề được che đậy, mặc cho côn trùng, bụi đường bay vào; chưa kể đến khâu sơ chế, chế biến thực phẩm liệu có đảm bảo vệ sinh; nguyên liệu chế biến có đảm bảo an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng? Dù biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố, nhưng cũng không ít người tiêu dùng “dễ dãi” khi lựa chọn vì sự tiện lợi trước mắt mà không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm. Bởi thế họ vẫn vô tư sử dụng. Chị Nguyễn Thị M. (phường Noong Bua), chia sẻ: Xung quanh khu vực gia đình tôi ở có rất nhiều quán ăn. Bởi đây là khu vực gần bệnh viện. Hàng ngày, các quán đó khá đông người nhà bệnh nhân thường lui tới ăn uống. Còn gia đình tôi thì chỉ khi nào công việc quá bận thì mới mua về sử dụng. Tuy nhiên, mua về nhà, tôi sử dụng dụng cụ đựng thức ăn của gia đình chứ không ăn tại chỗ. Do tại một số quán khâu vệ sinh chưa thực sự đảm bảo. Khi đông khách, bát đĩa họ rửa qua loa; tay người bán hàng làm mọi thứ từ lau bàn, thái thịt… rồi lại phục vụ khách hàng.

Trên thực tế, sử dụng thức ăn bán sẵn trở thành thói quen của nhiều người. Với số lượng lớn quán ăn sẵn, thực phẩm chế biến sẵn tại các chợ, hệ thống nhà hàng, quán ăn bình dân mọc lên trên các tuyến đường nội thị, các quầy hàng “di động” bán bánh mỳ, gà quay, thịt quay, xúc xích… cũng đang nở rộ từng ngày. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ hiện có khoảng 300 cơ sở chế biến thức ăn đường phố. Tuy nhiên, việc quản lý và kiểm soát các cơ sở này gặp nhiều khó khăn bởi đặc tính lưu động, không có “trụ sở”, chưa kể một số người kinh doanh theo thời vụ. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo VSATTP. Ông Nguyễn Minh Cường, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, cho biết: Từ đầu năm đến nay, riêng Đội Quản lý thị trường số 1 đã tổ chức thanh, kiểm tra 121 lượt cơ sở trong lĩnh vực VSATTP, trong đó xử phạt 40 vụ, nộp ngân sách Nhà nước 20 triệu đồng. Đồng thời, hướng dẫn và yêu cầu các chủ cơ sở nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nhất là đối với các cơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm như thức ăn đường phố.

Nguy cơ không an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố hiện đã được các cơ quan truyền thông, ngành chức năng khuyến cáo với nhiều hình thức nhưng vì lý do khách quan cũng như chủ quan, nhiều người vẫn sử dụng như nhu cầu tất yếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, cho cộng đồng thì rất cần sự thay đổi nhận thức trong việc sử dụng thức ăn đường phố của chính người dân, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, sự trách nhiệm từ người chế biến, kinh doanh mặt hàng này.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top