Linh hoạt phương thức đóng bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên

15:18 - Thứ Sáu, 01/09/2017 Lượt xem: 5818 In bài viết
Trong năm học 2017-2018, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, song hiện nay vẫn còn đến 7,5% số học sinh, sinh viên chưa tham gia. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với việc phát triển bảo hiểm y tế trong thời gian tới.

Gần 1,3 triệu học sinh, sinh viên chưa có thẻ bảo hiểm y tế

Theo ông Vũ Mạnh Chữ, Phó Trưởng ban thu, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong những năm qua, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và ngành Giáo dục - Đào tạo luôn quan tâm chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV). Hằng năm, cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện đều chủ động tiến hành ký kết chương trình với ngành Giáo dục cùng cấp, ban hành kế hoạch phối hợp, thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện công tác BHYT HSSV, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể tới các trường học trên địa bàn, cùng với sự nỗ lực của Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trong các trường học. Kết quả, HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm: Năm học 2013-2014 mới đạt 85%, đến năm học 2016-2017 đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu HSSV có thẻ BHYT. Tuy nhiên, hiện vẫn còn đến 7,5% số HSSV chưa tham gia BHYT, tức gần 1,3 triệu em, đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với việc phát triển BHYT HSSV trong năm học 2017-2018.

 

Ngành Bảo hiểm xã hội phấn đấu trong năm học 2017-2018 có 100% học sinh, sinh viên tham gia đóng bảo hiểm y tế.

Theo ông Vũ Mạnh Chữ, nhận thức về chính sách BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa ý thức đầy đủ về chính sách bắt buộc tham gia của loại hình bảo hiểm này. Một số cơ sở giáo dục chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Nhiều trường đại học, cao đẳng chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành chính sách về BHYT cho HSSV.

Bên cạnh đó, một số cơ quan BHXH chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai thực hiện BHYT HSSV, chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này. Các cơ quan chức năng cũng chưa phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục trong công tác rà soát, đối chiếu số HSSV đã tham gia và chưa tham gia BHYT để xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động, đồng thời đề xuất giải pháp để phát triển HSSV tham gia BHYT.

Giảm áp lực đóng góp vào đầu năm học

Bước vào năm học 2017-2018, do có việc tăng lương cơ sở theo Nghị định số 47/2017/NĐ-CP từ ngày 1-7-2017 từ mức 1,21 triệu đồng lên mức 1,3 triệu đồng, nên mức đóng BHYT của HSSV cũng bị điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mức chênh lệch tăng thuộc phần trách nhiệm phải đóng của HSSV chỉ là 2.835 đồng/HSSV/tháng.

Mặc dù mức tăng không nhiều, song BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học. Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT HSSV của những tháng còn lại năm 2017. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017. Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào Quỹ BHYT. Việc thu phí BHYT một lần sẽ chỉ được thực hiện nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. BHXH Việt Nam sẽ kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí thù lao thu BHYT HSSV, xác định và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định.

Ông Vũ Mạnh Chữ cũng cho biết, BHXH Việt Nam cũng đã đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp thực tế như: Trẻ em dưới 6 tuổi chuyển sang học sinh lớp 1 mà sinh sau ngày 30-9, thì được sử dụng đến hết tháng của tháng đủ 72 tháng tuổi; học sinh lớp 12 được cấp thẻ BHYT đến 30-9, thay vì cấp thẻ đến 31-5 (kết thúc khóa học). BHXH Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức đến HSSV và các bậc phụ huynh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh thực hiện BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV, mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước, khẳng định vai trò của BHYT trong bối cảnh viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.

Để đạt mục tiêu năm học 2017-2018 có 100% HSSV tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục - Đào tạo giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV. BHXH Việt Nam tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương kiên quyết không khen thưởng đối với các nhà trường, nếu chưa hoàn thành tỷ lệ HSSV tham gia BHYT; đề nghị dành một nguồn kinh phí hỗ trợ HSSV tham gia BHYT ngoài phần kinh phí đã được ngân sách trung ương hỗ trợ. Cơ quan BHXH Việt Nam sẽ chủ động cung cấp thông tin có nội dung tuyên truyền về BHYT, đưa vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên và Đội Thanh niên tiền phong Hồ Chí Minh, với mong muốn hoạt động này sẽ góp phần làm chuyển biến và nâng cao hiểu biết của các em về tính ưu việt của chính sách BHYT.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top