Đổi thay ở Tênh Phông

10:00 - Thứ Năm, 05/10/2017 Lượt xem: 8227 In bài viết
ĐBP - Nếu như những năm 2000 trở về trước, người Mông ở Tênh Phông chỉ biết trồng ngô và lúa nương thuần túy theo phương thức canh tác lạc hậu “chọc lỗ tra hạt” và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thường xuyên thiếu đói những ngày giáp hạt... thì nay đã khác. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con đã chủ động đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm nhiều công chăm sóc, nâng cao năng suất, tăng thu nhập gấp nhiều lần trên cùng diện tích canh tác so với trước đây. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện tốt. Xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức, chủ động trong công tác PCCCR, kiện toàn tổ quản lý, bảo vệ rừng và chống buôn bán lâm sản trái phép.

Hiện nay, trên địa bàn cơ bản không còn tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép. Cùng với làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tận dụng điều kiện tự nhiên, đồng bào đã phát triển chăn nuôi đại gia súc. Ðặc biệt, trong những năm gần đây ngoài những cây truyền thống, như: ngô, sắn và lúa nương người dân trên địa bàn đã chuyển sang canh tác những cây đem lại hiệu quả kinh tế cao (sơn tra, thảo quả). Toàn xã hiện có 56,4ha cây sơn tra (trong đó diện tích trồng mới 48ha) tổng sản lượng năm nay ước đạt 168 tấn; diện tích thảo quả 83,5ha (diện tích được thu hoạch 55ha)… Ðời sống người dân Tênh Phông được nâng lên rất nhiều; tình trạng hộ thiếu gạo vào mùa giáp hạt không còn. Nhiều hộ thoát nghèo trở thành hộ có kinh tế khá giả thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như gia đình các ông: Mùa A Dày, Mùa Dúa Vàng, Mùa Súa Thào... Hệ thống trường, lớp học, trạm y tế dần được kiên cố hóa; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân được đảm bảo; hàng năm học sinh trong độ tuổi đến lớp được đảm bảo về số lượng và chất lượng...

 

Hệ thống trường lớp học ở Tênh Phông đang dần được kiên cố hóa.

Gia đình ông Mùa A Dày là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Dày, chia sẻ: Ngày trước gia đình tôi đông con, quanh năm lam lũ, trồng ngô, trồng sắn nhưng không thoát đói nghèo. Từ năm 2010 trở lại đây, nhận thấy trồng thảo quả có giá trị kinh tế cao nên gia đình đã đầu tư mở rộng diện tích hơn 3ha thảo quả, kết hợp với chăn nuôi chục con trâu, bò sinh sản và 80 đàn ong, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình 100 triệu đồng/năm.

Ông Giàng A Páo, Bí thư Ðảng ủy xã Tênh Phông cho biết: Xã có 5 bản, 271 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Chương trình 30a, Chương trình 135, dự án giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, xây dựng nông thôn mới... tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế. Xã tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và cách phòng trừ sâu bệnh; triển khai nhiều mô hình khuyến nông và nhân rộng mô hình trồng thảo quả...

Tạm biệt Tênh Phông dưới ánh chiều vàng đi trên con đường rải nhựa quanh co, khúc khuỷu; hai bên ven đường, những ngôi nhà mới dựng ngói đỏ tươi thay thế cho những ngôi nhà lợp prôximăng cũ. Những nương lúa xanh mướt xen lẫn đám nương ngô lá úa vàng bước vào mùa thu hoạch… Tất cả như một dải lụa mềm đa sắc màu dưới buổi chiều thu. Ðó là những minh chứng cụ thể để chúng tôi hiểu rằng Tênh Phông đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Tin rằng, một ngày không xa với sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, Tênh Phông sẽ đạt nhiều hơn nữa những thành tựu về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng lên…

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top