Nghị lực của chàng trai khiếm thị

09:37 - Thứ Năm, 19/10/2017 Lượt xem: 7584 In bài viết
ĐBP - Nhiều người sinh ra, lớn lên không may mắn khi cơ thể bị khuyết tật. Nhưng không vì vậy mà họ buông xuôi, phó mặc cho số phận. Vượt qua mặc cảm, bi quan và chán nản, họ đã vươn lên trong cuộc sống và tỏa sáng giữa đời thường; chàng trai Ngọc Văn Quỳnh là một trong số những người như thế.

Sinh năm 1988, trong một gia đình thuần nông ở đội 3, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên); gia đình có 3 anh em nhưng chỉ có anh Quỳnh là thiệt thòi nhất. Ngay từ khi sinh ra anh đã không được nhìn thấy ánh sáng. Tuổi thơ của anh không may mắn như đám bạn cùng trang lứa. Dù cả hai mắt không nhìn thấy nhưng với nghị lực vươn lên, anh Quỳnh đã đạt được nhiều thành tích trong cuộc sống khiến những người bình thường phải nể phục. Anh Quỳnh tâm sự: Năm lên 10 tuổi được sự quan tâm của chính quyền địa phương, tôi được về học tại Trường Nguyễn Ðình Chiểu. Thời gian đầu mới học chữ nổi tôi thấy vô cùng khó nhưng quyết chí phải biết đọc, biết viết và được ngồi trên giảng đường đại học như những bạn cùng trang lứa; tôi đã nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tôi đã đăng ký và thi đỗ vào Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Ðại học Mở trong niềm vui của gia đình, bè bạn. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên ngoài giờ học tôi phải đi làm thêm ở Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt Trường Nguyễn Ðình Chiểu để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống...

 

Nhân viên thực hiện xoa bóp, bấm huyệt cho khách tại Cơ sở tẩm quất người mù Ngọc Quỳnh.

Tháng ngày trôi qua với bao khó nhọc, gian nan vất vả; năm 2016 chàng trai Ngọc Văn Quỳnh đã tốt nghiệp Ðại học trở về quê với tấm bằng cử nhân Quản trị kinh doanh, hy vọng tìm được việc làm phù hợp. Mong muốn ấy đã không thành trên mảnh đất quê hương, nhưng không vì thế mà anh nản chí. Tháng 3/2016, anh kết duyên với chị Nguyễn Thị Diễn, quê ở huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Ðịnh) - người cùng cảnh ngộ, gánh nặng mưu sinh đặt lên đôi vai anh ngày càng nặng nề hơn khi đứa con ra đời và càng thôi thúc anh mạnh dạn tìm hướng đi mới cho riêng mình. Với tay nghề tẩm quất đã được học, anh Quỳnh bàn với vợ vay mượn gia đình, người thân mở cơ sở tẩm quất người mù. Nói là làm, Cơ sở Ngọc Quỳnh tẩm quất người mù, xoa bóp - bấm huyệt - cạo gió - giác hơi có trụ sở tại phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) ra đời từ đó.

Cơ sở mới mở ban đầu ít khách, việc tuyển nhân viên cũng khó. Anh Quỳnh vừa tự làm vừa phải dạy nghề cho nhân viên. Ðến nay, đã hơn 1 năm cơ sở của anh hoạt động ổn định hơn với 4 nhân viên đều là những người có chung hoàn cảnh bị khiếm thị. Hàng tháng, ngoài việc trả lương cho nhân viên trung bình 3 triệu đồng/người/tháng, trừ chi phí thuê nhà, tiền điện, tiền nước; gia đình anh Quỳnh thu lãi trên 5 triệu đồng. Không chỉ tạo công ăn, việc làm cho gia đình mà anh còn tạo được việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

Hỏi về những dự định ấp ủ trong tương lai, anh Quỳnh chia sẻ: Thấu hiểu nỗi khổ của những người bất hạnh, tôi đang cố gắng tạo dựng một cơ sở tẩm quất nhỏ là nơi làm việc, tập hợp những người khiếm thị để chia sẻ, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Khi có điều kiện về vốn, tôi sẽ mở rộng cơ sở để tạo thêm nhiều việc làm hơn cho người khiếm thị. Ðể họ cũng giống như tôi sẽ không còn là gánh nặng cho gia đình, cho cộng đồng...

Trong cuộc sống không có con đường cùng, câu chuyện về vợ chồng anh Quỳnh và chị Diễn - những người không may rơi vào hoàn cảnh bất hạnh nhưng đã vượt lên trên số phận khẳng định mình; như cây xương rồng trên sa mạc, dù điều kiện sống khắc nghiệt nhưng vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa. Họ đã và đang “thắp sáng” cho cuộc sống bằng nghị lực của chính mình, biến điều tuyệt vọng thành hy vọng để cuộc đời thêm ý nghĩa…

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top