Sức sống mới bên dòng Nặm Tấu

09:39 - Thứ Năm, 19/10/2017 Lượt xem: 9433 In bài viết
ĐBP - Trở lại Mường Anh I, xã Pa Ham (huyện Mường Chà) vào một sớm mùa thu; dòng Nặm Tấu vẫn êm đềm đưa nước về cho người dân những mùa vàng bội thu. Trên con đường 6 “huyền thoại” một thời gian khó, chúng tôi bỗng thấy lòng mình khác lạ bởi tình người ấm áp và những đổi thay như bừng lên sức sống mới trên mảnh đất này...

Từ TX. Mường Lay, xuôi theo quốc lộ 6, con đường đã đi vào tâm thức, kỷ niệm của biết bao chiến sĩ thanh niên xung phong một thời khoét núi, ngủ hầm... đưa chúng tôi về với bản Mường Anh I. Dừng chân bên quán nhỏ ven đường, phóng tầm mắt dọc hai cung đường, những nếp nhà sàn, nhà xây hiện ra khang trang với đủ sắc màu, nhiều ngôi nhà còn nguyên màu ngói mới, tạo khung cảnh trù phú, yên vui. Tản bước cùng Bí thư Chi bộ bản Lò Văn Lả đến từng ngôi nhà, ngõ xóm chúng tôi như được hòa mình vào không khí nhộn nhịp hòa lẫn tiếng nói cười rôm rả của bà con... Chỉ tay về phía những cánh đồng bậc thang, Bí thư Lò Văn Lả, phấn khởi nói: Trước đây, khó có thể kể hết sự khó khăn vất vả của người dân trong bản “cơm không đủ no, áo không đủ mặc”, nhưng nay khác nhiều. Ơn Ðảng, Nhà nước đã hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng hệ thống kênh mương để bà con có tư liệu sản xuất; nhiều gia đình chăm chỉ làm ăn đã biết trồng cây ngô, cây lúa áp dụng khoa học kỹ thuật cho năng suất cao.

 

Một góc bản Mường Anh I.

Ðặc biệt, từ khi tuyến quốc lộ 6 được đầu tư nâng cấp, sửa chữa không những tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giao thương nông sản, vận chuyển hàng hóa... mà niềm mơ ước, khao khát về một con đường êm thuận đã trở thành hiện thực, chắp thêm niềm tin và sức sống mới cho người dân. Khoe với chúng tôi về những “thành tựu” của bà con trong bản, Bí thư Chi bộ Lò Văn Lả, tiếp lời: Những năm qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a, xây dựng nông thôn mới... đã tạo tiền đề giúp kinh tế trong bản chuyển mình rõ rệt. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, bà con trong bản đã tích cực lao động, sản xuất, từ bỏ lối canh tác lạc hậu, tập quán du canh, du cư; tích cực khai hoang, tăng cường đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng... với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 37ha. Không chỉ khai hoang, mở rộng diện tích đất, phát huy tính sáng tạo, cần cù bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động, giảm giờ làm cũng như năng suất của các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay toàn bản có 60/92 hộ đã mua được máy tuốt lúa loại nhỏ; 25% số hộ có máy cày bừa.

Nếu như trước đây, người dân vốn quen với tập quán thả rông gia súc... những năm trở lại đây, xác định khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển chăn nuôi; chính quyền bản đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ðến nay cả bản có tổng đàn gia súc lên tới gần 350 con (đàn trâu bò trên gần 200 con), bình quân mỗi hộ có trên 3 đầu gia súc. Nguồn thu từ chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế không nhỏ, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ. Tỷ lệ hộ nghèo cũng vì thế mà giảm dần qua các năm, hiện chỉ còn 60/92 hộ nghèo (theo tiêu chí nghèo đa chiều). Kinh tế phát triển, đời sống người dân trong bản được đảm bảo, các điểm trường dần kiên cố hóa, trẻ em cơ bản được đến trường đúng độ tuổi; việc chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng không ngừng được nâng lên. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát huy tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng thụ”, bà con trong bản đã tích cực vệ sinh nhà ở, tạo môi trường sạch đẹp, không nuôi nhốt vật nuôi dưới gầm sàn. Với tinh thần đoàn kết, nhiều hộ tích cực hiến đất, hiến kế để xây dựng trường học, đường giao thông nông thôn, góp phần cùng với chính quyền hoàn thành 5/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Ðến thăm gia đình anh Lò Văn Trường - hộ điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Tiếp chúng tôi, trong ngôi nhà sàn khang trang, anh Trường phấn khởi, chia sẻ: Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn, thiếu nguồn vốn nên anh chỉ nuôi gia súc, gia cầm làm sức kéo sản xuất nông nghiệp và phục vụ bữa ăn gia đình. Những năm trở lại đây, nhận thấy nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế nên anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại mua trâu, lợn về nuôi... Với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật; tiêm phòng định kỳ nên đàn vật nuôi gia đình anh sinh trưởng và phát triển ổn định với hơn 10 con trâu, gần 50 con lợn và hàng trăm con gia cầm các loại... Mỗi năm trừ chi phí thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng. Kinh tế phát triển, có nguồn thu nhập, thời gian tới anh Trường dự định mở rộng quy mô trang trại, tăng đàn vật nuôi.

Tạm biệt Mường Anh I, trên con đường trở về, chúng tôi vẫn thấy tấp nập những người nông dân hăng say cày cuốc trên những thửa ruộng bậc thang... màu xanh của đồi ngô, màu vàng của nương lúa căng tràn sức sống. Mang theo câu chuyện “đổi thay” của Bí thư Lò Văn Lả chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn về cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân nơi đây, dẫu biết rằng con đường phía trước vẫn còn đó những gian nan và thử thách.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top