Tỷ lệ sinh con thứ ba

Chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”

09:52 - Thứ Năm, 19/10/2017 Lượt xem: 6577 In bài viết
ĐBP - Là huyện mới thành lập, do đặc thù vùng biên giới, chủ yếu là nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều quan niệm lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức người dân bao đời nay. Những năm qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự vào cuộc quyết liệt nhưng điểm nóng về sinh con thứ 3 ở Nậm Pồ vẫn chưa có chiều hướng “hạ nhiệt”, khiến cuộc sống người dân cứ mải miết trong vòng luẩn quẩn của “đói nghèo - đông con - đói nghèo”.

 

Bà Cao Thị Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Nậm Pồ tuyên truyền vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3.

Chạng vạng chiều tháng 10, cơn mưa lớn ầm ầm như thác đổ làm tối sầm cả một góc trời đón chúng tôi từ cửa ngõ con đường độc đạo dẫn vào bản Nặm Hài (xã Chà Cang)… Con đường khổ ải, trơn trượt, nhớp nháp bùn lầy với nhiều ổ trâu, ổ gà là tuyến huyết mạch duy nhất không chỉ của người dân mà cả những cán bộ dân số mỗi khi đi vận động, tuyên truyền, mang kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản đến với người dân vùng cao. Ðặt chân đến Nặm Hài khi cơn mưa ngày càng nặng hạt, chúng tôi tìm gặp gia đình chị Cứ Thị Cở, hộ thuộc diện nghèo “bền vững” với 15 “công chúa” thì 8 người con đã chết. Ðó là hệ lụy đáng buồn từ việc không có con trai để nối dõi tông đường và nhận thức hạn hẹp sinh càng nhiều con càng có nhiều lao động để làm nương. Trong ngôi nhà tạm bợ, nằm lưng chừng núi, mặc dù mới ngoài 40 nhưng gương mặt đã đen sạm, khắc khổ, già nua vì dãi nắng dầm mưa để mưu sinh. Chị Cở tâm sự: “Sau khi xây dựng gia đình, chị sinh được con gái đầu lòng. Do quan niệm, tập quán phải sinh con trai để nhờ cậy lúc tuổi già, những đứa trẻ cứ thế lọt lòng mẹ, nhưng vẫn là con một bề… Cứ thế đẻ đến đứa con thứ 15 lúc nào không hay”. Cuộc sống khó khăn lại đông con nên họ luôn “thiếu trước, hụt sau”; đất sản xuất thì ít, không có trâu, bò phục vụ cày kéo nên có đất cũng không làm được. Gia cảnh lam lũ, cơm ăn hàng ngày bữa no, bữa đói để có gạo ăn phải chạy vạy từng bữa, vay mướn trước đợi đến mùa mới trả. Bởi thế mà con đường đến trường của con chị ngày càng xa cách, nhiều đứa đã bỏ học để theo bố mẹ lên nương sản xuất; “Nếu Nhà nước không hỗ trợ thì gia đình tôi không thể lo cho các con đi học được đâu”, chị Cở chia sẻ.

Theo cán bộ chuyên trách dân số xã Chà Cang Chu Thị Tuyền thì không riêng gì bản Nặm Hài mà trong xã có rất nhiều hộ sinh con thứ 3 trở lên nên cuộc sống kham khổ cứ mãi bủa vây, không chịu buông tha cho những phận đời vốn đã nghèo khó, lam lũ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Vì thiếu kiến thức trong vấn đề sinh con, chăm sóc sức khỏe sinh sản đã dẫn tới nhiều hệ quả đáng buồn, như: Tử vong trẻ em chiếm ở mức cao; trẻ sinh ra không được học hành đến nơi đến chốn…

Trong căn phòng rộng chưa đầy 25m2 là nơi làm việc của đội ngũ cán bộ dân số, bà Cao Thị Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Nậm Pồ cung cấp thông tin: 9 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của huyện chiếm tới 36,36% (toàn tỉnh là 22,03%), đứng “tốp” đầu trong các huyện, thị trong tỉnh. Việc tìm giải pháp hữu hiệu giảm tỷ lệ gia tăng dân số vẫn là “bài toán” nan giải với cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo bà Khánh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh con thứ 3, nhưng chủ yếu vẫn là quan niệm, nhận thức của bà con. Nhiều gia đình có tư tưởng đẻ nhiều con, khó khăn thì được xét vào diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ nhiều chế độ chính sách (hỗ trợ làm nhà, cấp thẻ bảo hiểm, trợ cấp gạo...); biết cuộc sống kham khổ, nghèo đói khi sinh nhiều con, nhưng vẫn giữ quan niệm sinh con trai để nối dõi tông đường nên chưa có con trai thì đẻ cố... Chị em phụ nữ vẫn mang nặng tư tưởng, lối sống “cam chịu” nên việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều chị em còn bị chồng ruồng bỏ, đánh đập khi thực hiện các biện pháp tránh thai.

Mặt khác, một số cấp ủy Ðảng, chính quyền cấp cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và tính chất phức tạp, khó khăn lâu dài của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) nên còn chủ quan, buông lỏng sự lãnh đạo, chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Vòng luẩn quẩn “đông con - đói nghèo - đông con” thể hiện rõ nhất là khi đã nhiều con thì dễ bị đói nghèo; mà đã đói nghèo thì ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ KHHGÐ, sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả và cũng vì thế nguy cơ “vỡ” kế hoạch về dân số lại càng gia tăng. Từ thực tế cho thấy, chế tài xử phạt đối với người dân không có, ngay cả chế tài xử phạt áp dụng với cán bộ nhà nước vi phạm cũng “nhẹ” chưa đủ sức răn đe. “Nghịch lý” đáng buồn hơn nữa là trong khi tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Nậm Pồ vẫn còn chiếm ở mức cao; công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân được xem là phương án tối ưu nhất thì lại gặp nhiều trở ngại. Ðiển hình như hiện nay toàn huyện có 133 cộng tác viên dân số/131 thôn, bản nhưng kinh phí hỗ trợ chỉ được 100.000 đồng/tháng nên chưa huy động được sức mạnh tổng hợp trong việc tiếp cận các đối tượng đã và đang có ý định sinh con thứ 3 trở lên.

Ðể giải quyết bài toán đói nghèo do gia tăng dân số, nhiều giải pháp đã được huyện Nậm Pồ đưa lên bàn “nghị luận” nhưng bà Cao Thị Khánh cũng thẳng thắn thừa nhận, đây không phải là việc làm một sớm một chiều mà cần có chiến lược lâu dài, như: Lồng ghép các chương trình dân số với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo gắn với giảm các chỉ tiêu về dân số cho các đối tượng là hộ nghèo. Vận dụng phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” hay “mưa dầm thấm lâu” để giúp người dân thông suốt về tư tưởng, giải toả về tâm lý, thực hiện tốt khẩu hiệu “Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”.

Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội trong việc giảm thiểu sinh nhiều con thì mới mong đẩy lùi được nghèo đói và từng bước nâng cao chất lượng dân số một cách bền vững.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top