Thay đổi nhận thức trong sinh con thứ 3

Vẫn là “bài toán” khó

10:05 - Thứ Sáu, 27/10/2017 Lượt xem: 6601 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng, nhất là ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) đã tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức của người dân trong việc sinh con thứ 3 trở lên; đưa chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGÐ lên vùng có mức sinh cao... Tuy nhiên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Một số địa phương có xu hướng giảm, như: Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông... nhưng vẫn còn cao.

 

Cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Điện Biên Đông tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện.

Sở dĩ tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần lớn là do nhận thức của người dân về chính sách DS-KHHGÐ còn hạn chế, cộng với tập quán, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, quan niệm phải có con trai “nối dõi tông đường” vẫn còn khá nặng nề ở nhiều gia đình. Trong ngôi nhà gỗ chỉ vài chục mét vuông của anh Giàng A Nhè bản Huổi Chá, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà), chúng tôi không khỏi bất ngờ với gần 10 đứa trẻ nhem nhuốc đang nô nghịch, đứa thì đang ở độ tuổi tiểu học, đứa chập chững biết đi, đứa vẫn phải địu trên lưng. Anh Nhè năm nay mới 47 tuổi nhưng đã có 10 người con và 6 cháu nội. Con trai cả của anh 25 tuổi, còn con út thì mới hơn 2 tuổi. Ðẻ nhiều con nên cuộc sống của gia đình khó trăm bề. Làm lụng vất vả chỉ để trang trải cuộc sống, gia đình không có tiền đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Cũng vì nghèo mà các con anh phải ở nhà làm nương. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại xã Mường Tùng, không ít gia đình sinh đến 9 - 10 người con. Còn với bản Huổi Chá, cách trung tâm xã khoảng 8km; đa số các hộ có 6 - 7 con, thậm chí có gia đình sinh 9 - 13 người con.

Cũng tại huyện Mường Chà, ở bản Huổi Mí, xã Ma Thì Hồ, trung bình mỗi gia đình cũng có 4 - 5 người con. Anh Giàng A Cở, chia sẻ: Gia đình mình nghèo lắm, làm lụng vất vả nhưng vẫn chẳng đủ ăn. Trong số 5 người con, chỉ có đứa lớn (13 tuổi) không đi học còn 4 đứa đều được đi học đầy đủ do có sự hỗ trợ của Nhà nước. Dù biết sinh nhiều con sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình, song anh Cở vẫn chưa nghĩ đến việc phải thực hiện KHHGÐ dù được cán bộ dân số xã, huyện động viên, tuyên truyền nhiều lần.

Theo báo cáo của Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Ðiện Biên Ðông thì tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao. So với cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ này của huyện đã giảm 6,5% (hiện là 18,5%). Nhưng để thay đổi nhận thức của người dân vẫn đang là “bài toán” khó của các cơ quan chức năng huyện. Không chỉ người dân ở vùng sâu, vùng xa sinh nhiều con, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên còn xảy ra ngay trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức của huyện. Một phần do kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, nhiều gia đình dù đã “có nếp, có tẻ”, nhưng vẫn muốn sinh thêm cho vui nhà, vui cửa... Mặt khác, các hình thức xử lý vi phạm còn nhẹ, thiếu sự thống nhất. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về chính sách DS-KHHGÐ chưa đầy đủ, họ cố tình tìm cách “lách luật” và sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật để sinh thêm con.

Ông Vàng A Lồng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGÐ huyện, cho biết: Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động để giảm thiểu việc sinh con thứ 3 trở lên trong nhân dân. Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền bà con các bản vùng sâu, vùng xa sử dụng các biện pháp tránh thai; lồng ghép tuyên truyền nội dung này trong các buổi họp thôn, bản; sử dụng loa phát thanh tiếng dân tộc nhưng người dân không mấy quan tâm. Thời gian tới, các cấp, các ngành cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xem công tác DS-KHHGÐ là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top