Chuyện về người đàn bà “giàu” con nhất núi Ðo Hâu

10:11 - Thứ Năm, 21/12/2017 Lượt xem: 7018 In bài viết
ĐBP - Nhiều lần tìm, mong gặp lại gia đình có nhiều con nhất xã Sa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) mà tôi có dịp ghé thăm cách đây hơn 3 năm. Người mẹ trong gia đình ấy - chị Mùa Thị So vóc người nhỏ bé nhưng có đến 14 người con. Vậy nhưng mọi thông tin về họ đều mơ hồ, dạt trôi… hệt như cuộc đời kỳ lạ của chị. Phải mất rất nhiều chuyến đi lại, hỏi thăm, xác minh cuối cùng tôi cũng gặp được chị vào một chiều đông lạnh giá.

Còn nhớ thời điểm đầu năm 2014, trong một chuyến công tác tại bản Nà Sản B, xã Sa Dung để tìm hiểu, phản ánh về tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân địa phương. Không thông thạo địa bàn, chúng tôi vào gia đình Giàng A Thái - Mùa Thị So trong ngôi nhà tạm ở cuối bản để hỏi thăm đường đi. Gọi là hỏi thăm nhưng giao tiếp của chúng tôi khi đó chủ yếu bằng… tay bởi cả 2 vợ chồng đều không biết tiếng phổ thông, trong khi  chúng tôi cũng không biết tiếng Mông. Thấy chị So bế một cháu nhỏ chừng hơn 1 tuổi, vây quanh là 3 cháu bé sàn sàn tầm từ 4 - 7 tuổi, tôi ra dấu ý hỏi gia đình có bao nhiêu con? Chị ra chiều tính toán một lúc và xòe cả 10 ngón tay, rồi nắm lại… giơ thêm 4 ngón nữa! Không khẳng định là chị đã thống kê đúng hay chưa nhưng theo tôi hiểu, khi đó họ có tổng cộng 14 người con. Ðịnh tìm hiểu thêm nhưng do bất đồng ngôn ngữ, vả lại trời cũng đã đổ bóng chiều, chúng tôi đành tạm biệt anh chị, trở về trung tâm xã.

 

Chị Mùa Thị So (ngoài cùng bên trái) bán rau tại chợ Mường Nhà.

Ðem câu chuyện về hộ nhiều con ở bản Nà Sản B trao đổi với cán bộ xã Sa Dung, chúng tôi được biết: Gia đình anh Giàng A Thái khá đặc biệt, họ chủ yếu sinh sống trên các lán nương khắp dãy núi Ðo Hâu này và rất ít khi xuất hiện, tiếp xúc tại khu vực đông dân cư. Vì vậy, dù nơi đăng ký hộ khẩu cách trung tâm xã chỉ chừng 3km nhưng đôi vợ chồng này đều không biết tiếng Kinh. Hỏi thêm về đời sống, sức khỏe, đặc biệt là vấn đề sinh sản, chăm sóc con cái của gia đình Thái - So, anh cán bộ xã thủng thẳng: Ban đầu xã cũng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ chị So đến Trạm Y tế xã sinh con nhưng do vợ chồng chị thường xuyên ở trên nương nên thỉnh thoảng khi chúng tôi gặp, chị lại có thêm đứa nhỏ địu trên lưng rồi. Chẳng biết sinh lúc nào! Không phải thiếu quan tâm nhưng gia đình họ tồn tại như cây cỏ, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa mênh mông đất trời nên chúng tôi muốn tìm đến để tuyên truyền, giúp đỡ cũng khó.

Bẵng đi một thời gian dài, tôi trở lại Sa Dung và chợt nhớ về cặp vợ chồng cùng đàn con “tồn tại với đất trời” kỳ lạ ngày nào, hỏi thăm vài người ở trung tâm xã về gia đình chị So nhưng không có thông tin, chúng tôi quyết định đến Trạm Y tế xã để tìm hiểu. Mất một lúc lâu, sau khi bổ sung thông tin từ vài người ở Trạm, ông Sùng A Say, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sa Dung mới chia sẻ: Thú thật với các anh, dù công tác ở Trạm đã hơn 20 năm, nhiều lúc phụ trách thêm cả mảng dân số - KHHGÐ nhưng tôi không có nhiều thông tin về chị Mùa Thị So, chỉ biết rằng thời điểm sau khi chị ấy sinh đứa con thứ 12, chúng tôi đã vận động và phát thuốc tránh thai để chị hạn chế việc sinh đẻ ngoài kế hoạch. Tuy nhiên, nắm thông tin từ Công an xã, khoảng năm 2015, gia đình Giàng A Thái - Mùa Thị So đã di cư tự do sang Lào. Ở nước bạn một thời gian thì lực lượng chức năng Lào phát hiện và trả về địa phương. Nghe đâu vừa rồi lại di cư sang xã Mường Nhà, huyện Ðiện Biên rồi.

Nghĩ suy về đại gia đình “du mục” kỳ lạ này với bao dấu hỏi: Thực tế chị So có bao nhiêu người con? Ðẻ nhiều không phải là cái tội, nhưng nhiều con như vậy, anh chị lo cái ăn, cái mặc cho đàn con ra sao? Ðời sống, sinh kế gia đình hiện nay thế nào?... khiến tôi quyết tâm tìm lại bằng được. Tại Mường Nhà, vẫn là khớp nối từ những thông tin có phần mông lung, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến ngôi nhà được cho là của gia đình Mùa Thị So đang sống thuộc bản Ban, cách trung tâm xã chừng 2km. Ðiều oái oăm là khi nhắc đến tên thì hàng xóm sát vách cũng không biết, chỉ khi hỏi về những thông tin như: “gia đình mới từ Sa Dung chuyển đến, nhiều con, 2 vợ chồng đều nhỏ người...” thì chúng tôi mới có được sự xác thực. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa bản người Thái mới dựng chưa lâu, dù đơn sơ, tài sản chẳng có gì đáng giá nhưng được cái gọn gàng. Hỏi cháu nhỏ chừng 9 tuổi đang nhóm lửa bắc  nồi cơm chiều, tôi chỉ nhận được cái gật, lắc đầu hoặc câu trả lời ngắn: Chi pâu (nghĩa là không biết)! Ðang thất vọng thì một cháu nhỏ khoảng 7 tuổi, đeo cặp, mặc đồng phục học sinh bước vào nhà. Tôi hỏi dồn dập: Cháu là con bố Thái, mẹ So à? Mấy tuổi rồi, học lớp nào? Bố mẹ đang làm gì, ở đâu? Cô bé xinh xắn, lanh lợi trả lời rành rọt: “Cháu 7 tuổi rồi, đang học lớp 2, điểm trường Tiểu học bản Ban; bố Thái đi nương, mẹ So thì bán rau ở chợ trung tâm xã ạ!”.

Chợ Mường Nhà cuối chiều, tấp nập, nhộn nhịp người bán kẻ mua giờ tan tầm nhưng cái dáng nhỏ bé trong bộ trang phục Mông đen của chị So vẫn không lẫn vào đâu được. Nhưng so với hơn 3 năm trước, khuôn mặt Mùa Thị So đã đầy đặn hơn chứ không còn gầy rộc, khắc khổ. Ðặc biệt là khi hỏi chuyện, chúng tôi đỡ... mỏi tay hơn khi chị đã có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng phổ thông. Chị kể: Sau khi từ Lào về, ruộng nương không còn nên đầu năm 2016, gia đình quyết định chuyển về Mường Nhà sinh sống. Anh Giàng A Thái mượn được mảnh nương của người quen để canh tác, còn chị trồng vườn rau, nuôi con gà và tranh thủ ra suối bắt ốc đá mang ra chợ bán, cũng có đồng ra, đồng vào. Hỏi về đàn con của chị giờ ra sao, mấy năm có đẻ thêm không? Vẫn là cách trả lời quen thuộc, chị So giơ 4 ngón tay, bảo: Ði học (4 con đang đi học)! Một số câu hỏi của tôi chị So không hiểu thì đã được một chị bạn cùng bán rau bên cạnh nhiệt tình phiên dịch, đại ý rằng: Các con lớn của chị Mùa Thị So có người đã lập gia đình, người đang đi làm bên tỉnh Sơn La, ở nhà hiện còn 8 người con đang ở chung với anh chị (con lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi). 4 người con đang đi học không phải do anh chị lựa chọn mà do “tố chất”, nghĩa là các cháu thích đi học, học tốt thì được khuyến khích, tạo điều kiện. Chả thế mà các con chị được đến trường chẳng theo quy luật nào cả, như: Giàng Thị Ðớ, 7 tuổi, học lớp 2; Giàng Thị Mảy, 9 tuổi thì không đi học ngày nào; anh giáp Mảy 11 tuổi đang học lớp 5...! Từ ngày về Mường Nhà, dù mới đăng ký tạm trú nhưng chính quyền địa phương, thôn bản và các thầy cô giáo quan tâm, vận động đến trường, hỗ trợ các chế độ của hộ nghèo khiến gia đình Mùa Thị So phần nào an tâm và cảm thấy gắn bó. Tôi hỏi vui: Cuộc sống khá hơn trước rồi, sắp tới anh chị có đẻ thêm con không? Nở nụ cười tươi, chị khẳng định: Không đâu, thôi đẻ 5 năm rồi!

Chúng tôi mua giúp chị So mớ rau cải nương, túi ốc đá và không quên chúc gia đình chị ổn định, sản xuất canh tác nâng cao đời sống, lo cho các con ăn học. Thấy vị khách lạ vừa mua hàng, vừa cắm cúi chụp ảnh, bà con địa phương từ người Kinh, đến Thái, Mông... đang đi chợ cũng kéo đến hỏi thăm, mua hàng của chị, tiếng nói cười rộn rã chiều đông...

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top