Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”

Hướng tới đảm bảo môi trường xây dựng nông thôn mới

09:44 - Thứ Năm, 28/12/2017 Lượt xem: 8108 In bài viết
ĐBP - Tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất, đạt tỷ lệ thấp trong xây dựng NTM. Nếu Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai thành công trên địa bàn tỉnh ta sẽ góp phần quan trọng giúp các xã hoàn thành tiêu chí trên và đảm bảo cuộc sống, sức khỏe nhân dân.

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới gồm nhiều nội dung về cấp nước đảm bảo quy chuẩn, vệ sinh nông thôn, đặc biệt là thực hiện vệ sinh toàn xã, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS). Những hoạt động trên với mục tiêu cụ thể cũng trùng với những nội dung của tiêu chí số 17. Theo số liệu rà soát xây dựng chương trình tháng 8/2016, hiện trạng trên địa bàn tỉnh ta có trên 75% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt HVS, chỉ mới 30,3% hộ gia đình có nhà tiêu HVS, 78,62% trường học nông thôn có nước và nhà tiêu HVS, 64,7% số trạm y tế xã có nước và nhà tiêu HVS…

 

Cán bộ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” hướng dẫn người dân xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Nói riêng về tiêu chí hộ gia đình có nhà tiêu HVS, thì hiện đang đạt tỉ lệ thấp nhất, trong những năm qua; với những ưu tiên đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, ngành, đoàn thể liên quan, vấn đề này tại các hộ gia đình nông thôn đã có nhiều cải thiện song vẫn còn tồn tại không ít thách thức. Một số huyện có tỉ lệ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu HVS rất thấp; nhiều xã đạt dưới 10%, thậm chí có thôn, bản vùng cao chưa một hộ nào có nhà tiêu HVS. Khi Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” triển khai trên địa bàn tỉnh, hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông thay đổi hành vi rất được chú trọng. Cụ thể, cơ quan chuyên môn xây dựng bộ công cụ truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; đào tạo chuyển giao bộ công cụ cho cán bộ địa phương thực hiện; hỗ trợ địa phương phát triển thị trường dịch vụ vệ sinh nhằm đảm bảo triển khai các loại nhà tiêu HVS, phù hợp với mọi đối tượng; tiến hành các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong trường học, trạm y tế và cộng đồng dân cư…

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện hợp phần này đã và đang tổ chức nhiều hoạt động, như: hội nghị toàn tỉnh, tập huấn cho cán bộ nòng cốt các huyện, xã, khảo sát cơ sở, tư vấn người dân, triển khai từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, xã, thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền các cấp và người dân trên địa bàn. Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) - 1 trong 11 xã thực hiện chương trình năm 2017, cho biết: Ẳng Cang còn rất nhiều hộ dân chưa có nhà tiêu HVS, đặc biệt là tại 5 bản vùng cao với số hộ nghèo và cận nghèo cao. Ðây cũng là khó khăn, hạn chế của xã trong xây dựng NTM, là tiêu chí khó nhất đối với xã. Việc cần làm đầu tiên để nâng cao tỉ lệ này, chúng tôi xác định là tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vấn đề vệ sinh, quy hoạch nhà tiêu HVS để thúc đẩy sự chủ động, ý thức tự giác của bà con. Sau khi được tham gia tập huấn do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức và đi thực tế tìm hiểu kỹ thuật xây dựng các loại nhà tiêu HVS, tôi đã nắm bắt được nhiều thông tin, kinh nghiệm bổ ích, thiết thực, khi về xã sẽ huy động các đoàn thể, ban ngành tích cực tuyên truyền đến người dân.

Một số mục tiêu Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” triển khai tại tỉnh ta là đến cuối năm 2020, 49,8% hộ có nhà tiêu HVS và sử dụng xà phòng để rửa tay; phối hợp phấn đấu có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 60 xã đạt tiêu chí 17 về môi trường. Với những hoạt động truyền thông, thay đổi hành vi đang thực hiện, mong rằng nhận thức của người dân sẽ dần nâng cao, tích cực tham gia vệ sinh nông thôn, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình, góp sức hoàn thành tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới theo đúng mục tiêu đạt ra.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top