Ðể trí thức trẻ phát huy sức trẻ

09:40 - Thứ Hai, 22/01/2018 Lượt xem: 7099 In bài viết
ĐBP - Phát huy những kết quả của Ðề án 600 trí thức trẻ, ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1758 phê duyệt Ðề án Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (gọi là Ðề án 500). Căn cứ trên kết quả của nhu cầu khảo sát, sau khi tiến hành công tác tuyển chọn, tỉnh đã lựa chọn được 10/70 trí thức trẻ, phân công về công tác tại 10 xã, thuộc 7 huyện trong tỉnh.

Tốt nghiệp Ðại học Thái Nguyên, chuyên ngành Môi trường năm 2013, Lường Thị Doan (sinh năm 1991) gặp nhiều khó khăn trong quá trình xin việc. Năm 2014, ngay khi nắm bắt được thông tin về việc tuyển dụng đội viên trí thức trẻ tham gia Ðề án 500, Doan đã làm hồ sơ đăng ký. Trải qua quá trình rèn luyện và tuyển chọn gắt gao, tháng 8/2015 em chính thức được tuyển dụng và về nhận công tác tại UBND xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng), với vị trí là cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường.

 

Ðội viên Lường Thị Doan trao đổi công việc với đồng nghiệp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng.

“Khác với Ðề án 600 là khi về cơ sở rồi mới được giao lĩnh vực phụ trách và lại làm quản lý ngay khi chưa có kinh nghiệm, với Ðề án 500 này, bọn em được biết trước vị trí công tác và đều đúng theo chuyên ngành được đào tạo nên có nhiều thuận lợi. Mặc dù bước đầu em gặp nhiều khó khăn do chưa biết việc, thiếu kinh nghiệm trong tham mưu, cũng như giải quyết các vấn đề ở cơ sở. Nhưng rất may mắn là cơ sở rất tạo điều kiện, chỉ bảo, hướng dẫn cho em từng chút một. Sau 6 tháng, em đã đi và nắm bắt hết địa bàn, cũng như các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình quản lý. Càng chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà con em lại càng quyết tâm gắn bó và phấn đấu để đóng góp sức mình xây dựng quê hương” - Doan chia sẻ. Với sức trẻ, sự nỗ lực và những sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, 2 năm liên tiếp 2015 - 2016, Doan được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ðến tháng 6/2017 em được tăng cường công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

Với đặc thù riêng của Mường Ảng là phát triển cây cà phê, kéo theo các vấn đề phức tạp về ô nhiễm môi trường trong sản xuất. Phát huy kiến thức, vai trò nhiệm vụ được giao, với vốn kiến thức và kinh nghiệm gần 2 năm làm việc ở cơ sở, Doan đã tham mưu xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, hướng dẫn các hộ gia đình, tổ chức kinh doanh đăng ký bảo vệ môi trường trong xay xát cà phê ướt. Theo đó, đến thời điểm này đã có trên 100 hộ đăng ký và cam kết thực hiện.

Trao đổi với phóng viên về đội viên mình đang quản lý, ông Phạm Văn Triệu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng đánh giá cao sự năng động, nhạy bén với công việc của Lường Thị Doan: “Phòng có 6 người, trong khi khối lượng công việc rất lớn, thường xuyên phải đi cơ sở, nên việc tăng cường thêm đồng chí Doan là hết sức cần thiết. Mặc dù lĩnh vực quản lý không thay đổi, nhưng công việc ở Phòng mang tầm bao quát hơn, đòi hỏi người cán bộ thực hiện nhiệm vụ phải có kiến thức sâu hơn, nhất là các điều luật liên quan đến lĩnh vực quản lý. Ðể làm được điều đó không còn cách nào khác là phải tự học. Tôi cho rằng Doan làm rất tốt việc này nên công tác tham mưu cũng đã đảm bảo yêu cầu đề ra”.

Ðến từ những vùng miền khác nhau, với những chuyên ngành khác nhau, song mang trong mình những nhiệt huyết, ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ, các trí thức trẻ của Ðề án đã đem tri thức của mình giúp đỡ bà con ở những xã còn khó khăn. Trong đó, có 7/10 trí thức đảm nhiệm vị trí cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường; 2 vị trí tư pháp - hộ tịch và 1 văn hóa xã hội. Sau 3 năm, qua kiểm tra, đánh giá cho thấy các đội viên Ðề án đều nhanh chóng tiếp cận và làm quen với công việc của xã; hăng hái, nhiệt tình nắm bắt tình hình cơ sở, tìm hiểu và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; thường xuyên đi thực tế nắm bắt điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương, an tâm công tác, gắn bó với địa phương. Một số đội viên đã đề xuất, tham mưu những phương án phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thực hiện bước đầu có kết quả. Hàng năm, hầu hết đội viên Ðề án đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khắc phục những hạn chế của Ðề án 600 trong việc bố trí trí thức làm lãnh đạo khi chưa có đủ kinh nghiệm và năng lực, chính sách thu hút trí thức trẻ về tham gia phát triển nông thôn, miền núi theo Ðề án 500 nhằm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ, từ đó tạo nguồn lãnh đạo có chất lượng cho cơ sở. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá, trong 3 năm chưa có chương trình, đề án nào do cá nhân đội viên Ðề án đề xuất thực hiện, những đóng góp chỉ dừng ở công tác tham mưu. Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía các đội viên là thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu rõ cơ sở cũng như chưa mạnh dạn trong công tác tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, thì vai trò của người lãnh đạo cơ sở cũng rất quan trọng. Nhu cầu về cán bộ chuyên môn có trình độ ở cơ sở là rất cao, và chủ trương, mục đích của Ðề án 500 là cần thiết. Sức trẻ, sự năng động nhiệt tình của các trí thức cũng đã được chứng minh tại cơ sở. Tuy nhiên, để các trí thức này phát huy được hiệu quả và vai trò của mình thì lãnh đạo cơ sở phải biết dùng người, tức là phải có năng lực điều hành, quản lý, giao việc, nếu không sẽ lãng phí nguồn trí thức.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top