Chuyện buồn dưới chân núi Ca Hâu

08:57 - Thứ Năm, 05/04/2018 Lượt xem: 9869 In bài viết
ĐBP - Nằm dưới chân núi Ca Hâu là 298 hộ dân tộc Mông xã Na Ư (huyện Ðiện Biên). Dọc hai bên đường là những cây cổ thụ tỏa bóng ngút ngàn mát rượi, khiến cho ai đó một lần đặt chân đến đều cảm nhận cuộc sống nơi đây thật yên bình. Thế nhưng ít ai biết, dưới chân núi Ca Hâu này còn nhiều những mảnh đời cơ cực của những người vợ, người mẹ và đặc biệt là những đứa trẻ mồ côi, hàng ngày vẫn lặng thầm với bao lo toan cuộc sống, mà nguyên do chủ yếu là từ hệ lụy của ma túy. Và đôi khi, tuổi thơ của các em bị “đánh cắp” bởi chính những bậc sinh thành.

Chúng tôi đến xã Na Ư trong một chiều vàng rực rỡ của tiết trời miền biên ải, khi mặt trời chỉ còn cách ngọn núi phía Tây chừng một cái quăng dao. Thời điểm này, hầu như mọi cánh cửa của các gia đình người Mông Na Ư vẫn đóng im lìm, bởi chủ nhân những ngôi nhà xiêu vẹo đó còn mải mưu sinh bên những sườn đồi, vạt núi. Ngoài sân, chỉ có mấy đứa trẻ lấm lem bùn đất đang thẫn thờ ngóng đợi cha, mẹ về để chúng được sà vào lòng và để được yêu thương. Thế nhưng, trong số đó có nhiều em đâu biết rằng cha, mẹ các em mãi không trở về bởi những bước đi lầm đường lạc lối, bởi giấc mộng đổi đời viển vông từ những chuyến hàng ma túy…

 

Em Vàng A Ha (ngồi giữa), trao đổi bài tập với bạn tại phòng bán trú của trường.

Tìm hiểu sâu về các gia đình, chúng tôi không khỏi xót xa, khi biết hiện toàn xã Na Ư có 118 đối tượng đang chấp hành án phạt tù liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, trong đó 8 đối tượng mang án tử hình và 18 đối tượng bị truy nã toàn quốc. Và hệ lụy là toàn xã có gần 100 trẻ mồ côi, trong đó 27 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ phải ở với ông bà, thầy cô đỡ đầu hoặc tự bươn chải trong cuộc sống. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 38 đối tượng được đặc xá tha tù và 31 con nghiện.

Trong khi những bậc sinh thành các em phải mặc áo số hoặc mải miết luồn rừng, vò đầu bứt tóc tính trăm nghìn mưu kế đã thoát khỏi vòng lao lý hay chìm trong làn khói của “nàng tiên nâu”, thì những thiên thần bé nhỏ của họ phải tự tắm rửa, cơm nước, giặt giũ… Tương lai các em sẽ ra sao khi tuổi thơ các em thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của mẹ, cha? Ai sẽ là người dỗ dành các em mỗi khi đau ốm, ai sẽ bảo vệ che chở các em khi đói cơm rách áo...? Ðổi đời  đâu chưa thấy nhưng chắc chắn một điều ngoài gieo “cái chết trắng” cho đồng loại thì những đại ca, ông trùm ma túy hoặc những ông nghiện bà nghiện ma tuý ở Na Ư còn đẩy chính cha mẹ, vợ, chồng, con cái của mình vào cơn bĩ cực.

Theo sự giới thiệu và dẫn đường của lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn, chúng tôi tìm đến gia đình chị Lý Thị Say (vợ của ông trùm ma túy Vừ A Tủa) ở bản Ca Hâu. Khó có thể hình dung ngôi nhà xơ xác chìm trong khói lam chiều ấy là “dinh thự” của ông trùm ma túy khét tiếng một thời với lối chơi ngông lắm của nhiều tiền. Thấy chúng tôi đến, chị Say rưng rưng và kể cho chúng tôi nghe nhiều về những ngày tháng một mình bươn chải nuôi 4 đứa con, về những cái đói, cái lạnh bủa vây và về người chồng vô tâm vướng vào vòng lao lý, để rồi mang án tử hình về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy…

Rời gia đình chị Say chúng tôi đến Trường Trung học cơ sở Na Ư. Tại đây, thầy Phạm Ðức Ðua, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường có 151 học sinh, trong đó ngót 30 em có cha, mẹ đang thi hành án phạt tù tại các trại giam trong và ngoài tỉnh hoặc đã “khuất núi” về trời từ những hệ lụy trên. Tuy nhiên, đa số các em đều rất ngoan, có ý thức học tập, lao động chăm chỉ và có hạnh kiểm tốt; nhiều em có hoàn cảnh éo le, thiếu thốn tình cảm gia đình. Ðể các em yên tâm học tập, ngoài giờ lên lớp thầy cô giáo đảm nhiệm luôn vai trò cha mẹ của các em; chăm sóc, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ, đồng thời giáo dục kỹ năng sống để các em tự tin hơn.

Trong căn phòng bán trú, em Hạng A Phềnh, học sinh lớp 6A1, chia sẻ: Bố em đang chấp hành án phạt tù tại trại giam Công an tỉnh Lào Cai từ năm 2015, đến nay cũng chưa biết bao giờ được về. Ngày ấy mẹ em phải bán đi con lợn và hai bao thóc để dẫn chị em Phềnh đi thăm bố. Gia đình có 4 anh chị em, nhà nghèo nhất bản Ca Hâu, hàng ngày một mình mẹ phải lao động cật lực mới đủ nuôi các con ăn học. Do học và ở bán trú tại trường nên cuối tuần là 4 anh chị em Phềnh lại đi bộ 10km về nhà đỡ đần, giúp mẹ việc nương rẫy.

Cùng lớp với Phềnh là Vàng A Ha, nhà ở bản Na Côm, xã Hẹ Muông. Do nhà ở gần Trường Trung học cơ sở Na Ư  nên gia đình xin cho em sang đây học. So với Phềnh thì Ha có hoàn cảnh rất đáng thương, bởi em chưa một lần được gặp mặt cha, khi em vẫn còn trong bụng mẹ thì cha em đã khuất núi. Ngày em vừa tròn 2 tuổi mẹ em cũng bị bắt vì tội buôn ma túy; hiện tại em sống cùng với ông bà nội đã ngoài 80 tuổi. “Ngày nào em cũng mong mẹ về để mua cho em bộ quần áo mới, làm việc giúp đỡ ông bà nữa, vì ông bà em tuổi đã cao nhưng vẫn phải đi làm nương thì mới có ngô, có gạo để ăn” - Vàng A Ha buồn rầu chia sẻ.

Chưa một lần biết mặt bố và 2 tuổi đã phải rời xa mẹ, có lẽ giờ này em cũng không nhớ nổi khuôn mặt của mẹ mình ra sao nữa. Còn đối với ông bà của Ha, dù đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng họ chưa một ngày được nghỉ ngơi, và cũng không biết có đủ thời gian để nuôi cháu mình khôn lớn và còn đợi được con dâu trở về!

Bà Mùa Thị Ðớ, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ư, cho biết: Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, trong những năm gần đây người dân Na Ư đã tu chí làm ăn, không tin, không nghe theo kẻ xấu, tình trạng vi phạm pháp luật đã giảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện; tổng thu ngân sách địa phương trong năm 2017 ước trên 4 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch. Ðây là con số ấn tượng với địa bàn một thời được mệnh danh là “thung lũng tử thần”, bởi với con số đó thì thung lũng tử thần nay đã dần hồi sinh.

Chia tay xã Na Ư mà lòng đầy ưu tư. Hình ảnh những người vợ, người mẹ già và những đứa trẻ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ cứ hiện hữu trong tâm trí chúng tôi. Dẫu biết Na Ư hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt, chất lượng cuộc sống người dân ngày một nâng lên, tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Nhưng nếu như không có hệ lụy từ ma túy, không có kẻ muốn đổi đời nhanh chóng từ giấc mộng phù phiếm, thì cuộc sống của những người vợ, người mẹ già và những em bé dưới chân núi Ca Hâu này sẽ đẹp đẽ và êm đềm biết bao!

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top