Sinh hoạt tư tưởng

Giá như…

09:19 - Thứ Tư, 18/04/2018 Lượt xem: 9483 In bài viết
ĐBP - Câu chuyện nông sản “được mùa, mất giá” một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc phân tích, định hướng, phát triển thị trường khi thời gian qua trên khá nhiều phương tiện thông tin đại chúng đều phản ánh về tình trạng bắp cải  trồng trên địa bàn huyện X. nông dân lao đao vì giá thấp, bán không đủ bù chi phí “đầu vào”. Vì thế mà nhiều gia đình còn chặt rau làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; nhiều nhà phá bỏ để lấy đất trồng cây màu vụ khác… Việc “giải cứu” người trồng bắp cải tuy chưa “xôm” như những vụ việc “giải cứu” người chăn nuôi lợn như đã từng diễn ra. Vì không ít người cho rằng, việc thiệt hại về kinh tế đối với người trồng bắp cải là không lớn, không đến nỗi “trắng tay” hay rơi vào tình trạng nợ nần, vay ngân hàng không có khả năng trả vốn lẫn lãi như người chăn nuôi. Tuy nhiên, xét ở góc độ người trực tiếp sản xuất nếu biết lắng nghe, nghiên cứu thị trường, đừng làm theo phong trào mà hãy tuân thủ quy hoạch, định hướng trong việc lựa chọn phương án “trồng cây gì, nuôi con gì” thì dám chắc câu chuyện “được mùa, mất giá” sẽ không diễn ra.

Thực tế cho thấy, điệp khúc “được mùa, mất giá” lặp đi lặp lại nhiều năm nay, lúc thì với mặt hàng này, khi thì với mặt hàng khác. Lý giải tình trạng trên khi đưa ra “mổ xẻ” thì bao giờ cũng có phần do tổ chức sản xuất theo quy hoạch chưa đạt mục tiêu đề ra; chưa có hệ thống thông tin thị trường đầy đủ, đồng bộ; năng lực phân tích, dự báo, nắm bắt xu hướng thị trường còn hạn chế, “kênh” chia sẻ thông tin thị trường đến người sản xuất còn yếu và thiếu... Ðiều đó luôn đúng, song để giải quyết được vấn đề này lại không dễ dàng khi mà nhận thức của người dân trong sản xuất vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong quá trình sản xuất, nông dân chưa chú trọng đến việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường - một trong những giải pháp phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng vùng chuyên canh. Nhưng vẫn cách “mạnh ai nấy làm” thì rủi ro là khó tránh và thua thiệt thuộc về nông dân.

Vì thế, với mỗi cá nhân từ nhà quản lý, cơ quan chuyên môn đến người sản xuất cần trách nhiệm hơn nữa với phần việc của mình cùng hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng các vùng chuyên canh gắn với liên kết sản xuất đến khâu bao tiêu sản phẩm thì việc tạo dựng thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường sẽ được giải quyết. Và đương nhiên dù là kinh tế thị trường sẽ có rủi ro, nhưng nguy cơ đó trong sản xuất nông sản chắc sẽ được đẩy lùi.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top