Ðổi thay Ðiện Biên

10:16 - Thứ Sáu, 27/04/2018 Lượt xem: 9390 In bài viết
ĐBP - 43 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, thống nhất Bắc - Nam, đặc biệt là từ khi chia tách, thành lập tỉnh (năm 2004), Ðiện Biên đã thay đổi hoàn toàn và chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa - xã hội ngày càng phát triển.

Những năm sau giải phóng, cùng chung với cả nước, đời sống người dân Ðiện Biên (khi ấy là tỉnh Lai Châu) còn lạc hậu, nghèo khó, thiếu thốn mọi thứ. Vì vậy công tác xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, bảo trợ cũng chưa được đầu tư quan tâm, đến năm 2004, tổng số người được hưởng trợ cấp hàng tháng trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 7.376 đối tượng. Ðến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 1.100 người có công và gần 14.900 đối tượng bảo trợ xã hội đang thụ hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm; 235 đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó chủ yếu là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Và gần 450.000 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng xã hội khác được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền điện, chi phí học tập với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng... Với sự quan tâm ấy, những người có hoàn cảnh đặc biệt được san sẻ khó khăn, có thêm động lực phấn đấu vươn lên; người dân tin tưởng vào các chế độ, chính sách của Nhà nước, yên tâm dựng xây cuộc sống.

 

Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, trẻ em được quan tâm, chăm sóc, giáo dục toàn diện, tỷ lệ ra lớp các độ tuổi ngày càng tăng. Trong ảnh: Một giờ học của cô, trò Trường Mầm non An Binh, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo).

Xã hội phát triển, đời sống người dân ổn định, đảm bảo hơn thì công tác giáo dục cũng ngày càng được coi trọng và ưu tiên đầu tư. Trước năm 2004, cơ sở vật chất giáo dục của tỉnh có đến 60% lớp học tạm, tranh tre, vách nứa; nhiều bản chưa có giáo viên mầm non; các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn chưa được thành lập trường THCS; số học sinh trong độ tuổi từ 5 - 18 ra lớp chỉ đạt hơn 50%… Nhưng đến nay, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh phát triển khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các xã, cụm xã và trung tâm các huyện, thị xã, thành phố đều có trường, lớp học; 130/130 xã có trường mầm non, 127/130 xã có trường tiểu học, THCS; trung tâm cụm xã và trung tâm huyện, thị, thành phố đều có trường THPT. Toàn tỉnh hiện có 513 trường với 184.008 học sinh (năm học 2017 - 2018); 100% đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện duy trì vững kết quả xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Số đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ cấp độ 2, phổ cập giáo dục các cấp độ vẫn tiếp tục tăng hàng năm. Học sinh tham gia học nghề, chuyển tiếp lên các trường chuyên nghiệp, có tri thức, trình độ, kỹ năng ngày càng cao, góp phần quan trọng vào xây dựng phát triển kinh tế địa phương sau khi tốt nghiệp. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở cũng không ngừng phát triển; trang thiết bị được đầu tư; đội ngũ thầy thuốc được đào tạo, bồi dưỡng… cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành Y tế tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phấn đấu đến năm 2020: 100% trạm y tế xã đảm bảo biên chế, thành phần, cơ cấu cán bộ đáp ứng nhiệm vụ được giao; 100% thôn, bản có cán bộ y tế; 100% các trung tâm y tế cấp huyện đảm bảo đáp ứng đủ nhân lực có kỹ thuật cao, chuyên khoa phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; 90% xã có bác sĩ hoạt động; 50% thôn, bản ở khu vực khó khăn có cô đỡ thôn, bản...

Về văn hóa, Ðiện Biên là mảnh đất vùng cao, đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều năm trước, dù còn tồn tại những hủ tục nhưng do cuộc sống khó khăn và nhiều nguyên nhân khác mà không ít nghi lễ, phong tục truyền thống của các cộng đồng dân tộc bị mai một, không được duy trì. Ðến nay với nhiều chương trình, đề án bảo tồn và phát triển văn hóa, công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa được thực hiện tốt với nhiều thành tựu: 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia; 21 di tích được xếp hạng; hàng chục nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa các dân tộc được Nhà nước công nhận; phục dựng nhiều nghi thức, lễ hội cổ truyền; bảo vệ khẩn cấp dân tộc ít người (Cống, Si La)… Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức phong phú, sôi nổi, diễn ra rộng khắp tại các địa bàn, mang đậm bản sắc truyền thống, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước. Ðặc biệt, công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Việc thành lập, duy trì 10 bản văn hóa du lịch với các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, giao lưu văn hóa, văn nghệ đã và đang làm đa dạng các hình thức du lịch và là yếu tố quan trọng tạo ấn tượng, thu hút khách thập phương đến với Ðiện Biên. Những hoạt động đó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân mà còn góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ðiện Biên, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc. Với các thành tựu trong phát triển văn hóa - xã hội trong những năm qua, có thể thấy Ðiện Biên đang đổi thay, phát triển từng ngày, xứng danh là 1 tỉnh “trẻ”, có sức bật, giàu tiềm năng và đa sắc màu nơi cực Tây Tổ quốc.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top