Cần công bố công khai doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

10:26 - Thứ Năm, 31/05/2018 Lượt xem: 9316 In bài viết
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chiếm tỷ lệ lớn nhưng giải pháp trong thanh tra, kiểm tra xử lý hành vi này chưa được quan tâm. Tâm lý lo ngại vỡ quỹ bảo hiểm khiến cho tỷ lệ người hưởng BHXH một lần tăng lên, trong khi tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp.
 
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TP Hồ Chí Minh).

Tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2017 toàn quốc có 13,9 triệu người tham gia, tăng 2,3 lần so với thời điểm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (1-1-2007), 11,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí và mỗi năm có khoảng 10 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổng số thu chi BHXH hàng năm đều có sự gia tăng, trong đó năm 2017 số thu là 196 nghìn tỷ đồng, số chi là 181.736 tỷ đồng. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ BHXH cũng tăng, tỷ lệ chi từ nguồn ngân sách ngày càng giảm.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHXH hiện nay còn gặp nhiều hạn chế. Theo đại biểu Quốc hội Giàng Thị Bình (Lào Cai), diện bao phủ BHXH cũng như quy mô tham gia BHXH còn thấp. Năm 2017 mới có gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đặc biệt, số người tham gia BHXHX tự nguyện thấp, không đạt so với chỉ tiêu mà Nghị quyết 21, Nghị quyết Trung ương đã đề ra do mức hỗ trợ BHXH quá thấp.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Kim Yến cho biết, hiện nay, tỷ lệ người hưởng BHXH một lần tăng nhưng tỷ lệ bao phủ BHXH thấp. Có nhiều vấn đề trong việc duy trì hiệu quả quỹ BHXH khiến người dân lo lắng. Một trong số đó là tâm lý lo ngại vỡ quỹ BHXH của người dân. “Chính tâm lý không biết khi mình nghỉ hưu, quỹ BHXH còn đủ khả năng chi trả hay không làm cho tỷ lệ bao phủ BHXH chưa đạt như mong muốn, cũng như dẫn tới việc tăng số người đăng ký hưởng BHXH một lần để bảo toàn an toàn cho bản thân”, đại biểu này dẫn chứng.

Đại biểu Giàng Thị Bình cũng cho rằng, cách tính lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu từ 1-1-2018 so với người nghỉ hưu trước 1-1-2018 là có sự chênh lệch lớn, gây thiệt thòi cho lao động nữ. Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, đại biểu Trần Kim Yến nói, trước đây, người dân đóng BH đủ 25 năm thì khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu tối đa 75%. Nhưng theo Nghị quyết mới, người nghỉ hưu từ 1-1-2018 phải đóng BHXH 30 năm mới được hưởng lương hưu 75%. Trong khi đó, quy định với nam giới lại khác. Theo quy định mới, hết năm 2018 nam giới nghỉ hưu khi đã công tác được 31 năm thì được hưởng 75%, năm 2019 nam giới có 32 năm công tác thì được hưởng 75% lương.

“Với nam giới, quy định có lộ trình nhưng với nữ giới thì không. Như vậy, phụ nữ thiệt thòi hơn so với nam giới. Tôi nghĩ Chính phủ cần phải lộ trình đối với nữ nghỉ hưu sau 1-1-2018. Mặc dù Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết sẽ có giải pháp bù đắp thiệt thòi cho lao động nữ vì số người đóng 25% trở lên không nhiều. Nhưng theo tôi, đó là vấn đề trước mắt, còn cái lâu dài mới là vấn đề. Có rất nhiều phụ nữ nghỉ hưu sau 1-1-2018 sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này”, đại biểu Trần Kim Yến nói.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, vì sao BHXH phải đặt ra tỷ lệ số năm phải tham gia BHXH để được hưởng khoản lương hưu của mình. BHXH nên đặt ra thời gian đóng BHXH bao nhiêu sẽ được hưởng BHXH bấy nhiêu: “Người tham gia 10 năm hưởng mức khác với người tham gia 20-30 năm. Sao chúng ta không đặt để thấy mức đóng ít thì hưởng ít hơn và người ta chấp nhận mức đó. Chứ không phải quy định người dân đóng đủ 20 năm mới được hưởng 45%. Tôi cho đó là bất cập của chính sách BHXH nên người dân chưa thật sự tin tưởng vào chính sách an sinh”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định, hiện nay BHXH mới đạt 25,8% lực lượng lao động tham gia BHXH. “Nghị quyết Trung ương 28 muốn phải bao phủ toàn dân, thì thúng ta phải thay đổi cơ cấu hỗ trợ của nhà nước bằng 30% cho lao động hộ nghèo, 25% cận nghèo và 10% cho hộ khác, bằng một cơ cấu 50-50 hoặc có thể cao hơn để khuyến khích đưa lực lượng lao động tham gia vào BHXH tự nguyện để mở rộng đối tượng”, đại biểu này phát biểu.

Chậm xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH

Theo BHXH Việt Nam, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ BHXH cho người lao động vẫn còn xảy ra và chậm được khắc phục. Tính đến 31-12-2017, tổng số nợ BHXH toàn quốc là 5.973 tỷ đồng, trong đó nợ bảo hiểm thất nghiệp là 236 tỷ đồng.

Theo đại biểu Giàng Thị Bình, việc xử lý tiền nợ đọng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài của các đơn vị, doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích hết sức khó khăn và chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể. Trong khi đó, giải pháp trong thanh tra, kiểm tra xử lý hành vi trốn, nợ BHXH chưa được quan tâm, tạo ra sự lo lắng cho người dân.

Đại biểu Trần Kim Yến dẫn chứng, khi người dân hoang mang doanh nghiệp bỏ trốn thì công đoàn phải đứng ra hỗ trợ công nhân được hưởng BHXH, đặc biệt công đoàn quan tâm, ưu tiên lao động nữ mang thai. Nhưng khi công đoàn đứng ra vận động đóng phần bảo hiểm để công nhân nữ hưởng BHXH khi sinh đẻ, BHXH lại quy định công đoàn phải đóng luôn cả tiền nợ, tiền lãi do doanh nghiệp nộp chậm. “Đáng lẽ việc này là việc của doanh nghiệp. Nhưng vì để bảo đảm quyền lợi cho công nhân nữ, công đoàn cũng vẫn phải đóng. Như vậy, những yếu tố này tác động một phần đến đóng BHXH một lần cũng như tỷ lệ BHXH bao phủ”, đại biểu Kim Yến bức xúc nói.

Thời gian vừa qua, việc xử lý doanh nghiệp nợ được giao cho tổ chức công đoàn nhưng xảy ra nhiều bất cập trong quá trình xử lý. Từ 1-1-2018, những vi phạm trong nợ, chậm đóng BHXH đã được áp dụng theo Luật Hình sự 2015. “Tuy nhiên, hiện nay các báo cáo cho thấy chỉ có tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp bị xử lý, chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp. Đây là nỗi lo của người dân”, bà Trần Kim Yến nêu.

Đại biểu này cho rằng, hành lang pháp lý đã có, nhưng lực lượng phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật còn mỏng. Vì thế, cần phải công bố danh sách những doanh nghiệp cố tình trốn, nợ đóng BHXH rộng rãi, để biết uy tín doanh nghiệp với cộng đồng doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp nợ là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo Luật Hình sự 2015. Tôi nghĩ phải đẩy nhanh thực hiện việc xử lý này mới đủ sức răn đe với doanh nghiệp”, đại biểu Trần Kim Yến nhấn mạnh.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top