Thêm cơ hội để người lao động có việc làm

09:46 - Thứ Sáu, 22/06/2018 Lượt xem: 9677 In bài viết
ĐBP - Là huyện vùng cao thuộc diện khó khăn bậc nhất của tỉnh, trải qua 5 năm xây dựng và trưởng thành, huyện Nậm Pồ đã và đang có nhiều bước tiến vượt bậc, vươn mình trong phát triển kinh tế - xã hội; từng bước nâng cao mức sống cũng như thu nhập của người dân… Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Sau khi tham gia lớp dạy nghề sửa chữa xe máy, anh Sùng A Sềnh bản Huổi Khương, xã Vàng Ðán mở cửa hàng sửa chữa tăng thêm thu nhập.

Xác định công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là việc làm trọng tâm, xuyên suốt, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, Ðảng bộ và chính quyền huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, đặc biệt tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Ðề án 1956. Huyện cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù của từng địa phương; điều tra cung - cầu lao động của các doanh nghiệp, ngành kinh tế trên địa bàn; tăng cường quản lý hoạt động dạy nghề, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về dạy nghề, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ học nghề. Bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ, cho biết: Giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những vấn đề bức thiết hiện nay được huyện ưu tiên đặt lên hàng đầu trong tiến trình xóa đói giảm nghèo... Bằng các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. 5 năm qua huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.541 lao động, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 25,52%. Các nghề chủ yếu, như: Kỹ thuật trồng và chế biến nấm; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, dê, lợn; xây dựng; sửa chữa xe máy… Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.718 lao động nông thôn (xuất khẩu lao động được 21 người, chủ yếu làm việc tại Lào), nhiều lao động sau khi hết hợp đồng đã được gia hạn hợp đồng.

Cũng theo bà Bùi Thu Hằng, để nâng cao chất lượng, đảm bảo chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động, những năm tiếp theo huyện Nậm Pồ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề trước yêu cầu đổi mới và cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Xây dựng kế hoạch đào tạo sát với dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài huyện theo hướng chuyển từ đào tạo theo năng lực hiện có sang đào tạo đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Ðẩy mạnh tuyên truyền về việc làm, xuất khẩu lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động…

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top