Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy

15:30 - Thứ Ba, 26/06/2018 Lượt xem: 11255 In bài viết
Hôm nay là Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6). Diễn ra trong Tháng hành động phòng, chống ma túy, chủ đề năm nay: "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy" kêu gọi chúng ta ý thức hơn, quyết liệt hơn, chung tay hơn nữa trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, góp phần bảo vệ sự yên bình của mỗi gia đình, cộng đồng; bảo vệ sức khỏe giống nòi và thế hệ tương lai đất nước.

Cả xã hội chú trọng hơn nữa không chỉ về thành tựu, mà còn cả với thách thức nặng nề để không ngừng hoàn thiện và thực thi chính sách của Ðảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống ma túy. Với mục tiêu đồng bộ "giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại do ma túy gây ra", những năm qua chúng ta đã ghi nhận nỗ lực của cả xã hội, cộng đồng từ nhiều hướng.

Ðể trấn áp tội phạm ma túy, các bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách tấn công tội phạm tại các địa bàn trọng điểm. Công tác cai nghiện, phục hồi có chuyển biến mới. Ðến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone. Công tác tham mưu, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tệ nạn ma túy được thực hiện đều khắp. Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai Ðề án "Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2018 - 2022"; Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Ðề án "Truyền thông về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng" thuộc Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020; Bộ Giáo dục và Ðào tạo xây dựng Ðề án "Tăng cường năng lực phòng và chống ma túy trong trường học đến năm 2020" và Ðề án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống tội phạm trong học sinh, sinh viên đến năm 2020"…

Nhiều mô hình phòng, chống ma túy đã bám sát thực tiễn và phát huy hiệu quả thiết thực như: Câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống ma túy trong trường học tại một số điểm nhạy cảm ma túy; mô hình hỗ trợ tâm lý xã hội tiền xét xử liên quan đến Tòa ma túy… từng bước được nhân rộng. Ðó là những chuyển động đáng ghi nhận.

Phòng, chống ma túy là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của toàn xã hội. Bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại của ma túy, đòi hỏi tầm nhìn xa và cả các giải pháp cấp thiết, thời sự từ mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh. Rộng hơn là từ mỗi họ mạc, thôn xóm, đoàn thể chính trị xã hội. Ðể trấn áp tội phạm reo rắc "cái chết trắng" và hạn chế nguồn cung, lực lượng chức năng cần đấu tranh giải quyết căn bản các địa bàn trọng điểm ma túy, tấn công các nhóm vũ trang vận chuyển ma túy qua biên giới, nhất là tại các tuyến tây bắc, đông bắc, bắc miền trung, tây nam; trên các tuyến đường không, đường biển; triệt phá các đường dây ma túy liên tỉnh, liên quốc gia, đồng thời kiểm soát chặt các tụ điểm kinh doanh vũ trường, nhà hàng…

Liên Bộ Công an, Công thương, Y tế cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh các tiền chất, chất gây nghiện có thể bị tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy trong nội địa… Ðể giảm số người sử dụng ma túy, cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động trong nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên… Các bộ, ngành liên quan cần đổi mới hình thức truyền thông để rộng khắp, đi vào chiều sâu, thay đổi nhận thức của học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức và người lao động; trong nhân dân các dân tộc vùng xa, vùng sâu; người hoạt động trong các ngành nghề đặc thù…

Cần tổng kết đánh giá 10 năm triển khai chương trình điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone; nghiên cứu thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện qua quyết định của Tòa án; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhất là trong lĩnh vực điều trị nghiện ma túy tổng hợp... Ðẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Nâng cao năng lực rà soát, thống kê, quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy của ngành y tế, nhất là người nghiện ma túy tổng hợp, người sử dụng ma túy bị loạn thần. Thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, nhất là trong khối ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công, hợp tác Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Cam-pu-chia.

Trước tình trạng tệ nạn ma túy ngày càng biến hóa tinh vi, nguy cơ lan rộng, các cơ quan, cấp, ngành, chính quyền địa phương và cả xã hội, cộng đồng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường tuyên truyền, giám sát, phát hiện và tố giác tội phạm ma túy, chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy để bảo vệ tương lai của chính con em chúng ta. Cần xem cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan công an, các bộ, ngành chức năng mà của toàn xã hội, là công việc hằng ngày của mỗi cá nhân, tập thể, địa phương, tạo nên sự chuyển động trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở. Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy là trách nhiệm, là nghĩa vụ, lương tâm của mỗi chúng ta.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top