Mở nhiều hướng để giải quyết việc làm

15:06 - Thứ Sáu, 29/06/2018 Lượt xem: 9387 In bài viết
Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIV vừa diễn ra, vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên, người lao động được nhiều đại biểu QH quan tâm, nêu ý kiến tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và các phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Đây là một vấn đề chưa bao giờ cũ đang đòi hỏi quyết tâm cao của các cấp, các ngành.

 

Tư vấn, hướng nghiệp cho sinh viên trong Ngày hội việc làm công nghệ năm 2018 tại Hà Nội.

Về vấn đề việc làm nói chung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Lao động Việt Nam thời gian qua có nhiều tiến bộ, trước hết chuyển dịch lao động theo hướng tích cực hơn. Hết tháng 4-2018, lao động khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 38,6%. Số lượng lao động làm công ăn lương có quan hệ lao động tăng dần, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị thấp hơn so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, tính bền vững của việc làm không cao, kể cả về thu nhập, môi trường lao động an toàn, nới dỡ các chính sách an sinh xã hội, thị trường lao động chưa hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, thiếu hai nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực. Việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao, hiện nay bình quân khoảng hơn 200 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2015 ở mức 7,03%, năm 2016 là 7,34%, năm 2017 là 7,51%. Thực trạng trên cho thấy một sự lãng phí lớn về nguồn lực của xã hội và cũng là nỗi lo, nỗi bức xúc của nhiều gia đình và xã hội. Trong đó, có thực trạng, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa muốn tiếp nhận người được đào tạo, có bằng cấp bởi chính sách tiền lương đã quy định, người được đào tạo phải được xếp bậc lương cao hơn.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội thừa nhận những bất cập, đồng thời đưa ra cách nhìn nhận khác. Đó là trong thực tế, một năm cả nước đón vào thị trường mới khoảng 700 nghìn người lao động, số sinh viên tốt nghiệp. Số thất nghiệp hiện nay hằng năm vẫn duy trì trong khoảng 200 nghìn người. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu hiện nay là 13%, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 11%. So với tỷ lệ chung thì tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam cũng không quá đáng ngại. Theo Bộ trưởng, vấn đề băn khoăn nhất, lo lắng nhất hiện nay chính là chất lượng việc làm và chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian tới, cần tập trung đào tạo lại và cấp chứng chỉ cho số sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Hai lĩnh vực đang cần nguồn nhân lực là du lịch và công nghệ thông tin, với khoảng 40 nghìn người.

Để giải quyết việc làm có hiệu quả cao, một khâu rất quan trọng là định hướng nghề nghiệp cho thanh niên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát và cho thấy, cứ 100 học sinh tốt nghiệp THPT có 46 em thi đại học, cao đẳng và học đại học, cao đẳng; còn lại khoảng tám người không đỗ thì ở nhà sang năm thi tiếp. Chỉ có khoảng 21 bạn trẻ chấp nhận đi học trung cấp ngành, còn lại khoảng 10 học sinh ra trường chọn đi lao động luôn. Liên quan tới đào tạo, trong 100 người lao động thì chỉ hơn 50 lao động được đào tạo. Trong hơn 50 người đó, khoảng 20 người có bằng cấp, còn lại 30 người chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Như vậy, để giải quyết việc làm tốt, hiệu quả hơn nữa, một trong những giải pháp đã được Chính phủ và các bộ, ngành xác định là tiếp tục điều chỉnh mô hình đào tạo giữa các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp; một mặt, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, có những giải pháp đã và đang được các bộ, ngành khẩn trương thực hiện. Đó là phát triển doanh nghiệp và thị trường, tạo ra nhiều việc làm và thị trường mới cho thanh niên, sinh viên. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động làm cơ sở cung cấp nguồn nhân lực. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng đề án hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp kinh doanh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục vận động thanh niên tự tìm việc làm và không coi đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp. Việc vào đại học, học rộng, hiểu sâu là vấn đề cần khuyến khích nhưng cũng cần định hướng thanh niên chọn việc làm phù hợp năng lực, sở trường, khả năng của chính mình.

Trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang quyết liệt chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp và nhà trường đồng hành trong đào tạo, trong cung cấp nhu cầu, yêu cầu về nguồn nhân lực. Đây cũng là vấn đề được chọn là một khâu đột phá và bắt đầu làm thí điểm 10 trường liên kết, ký kết với 15 tập đoàn và khởi đầu bằng đào tạo theo đơn đặt hàng, chuyển sang đào tạo gắn với thị trường, gắn với cung - cầu. Qua đó có thể từng bước giải quyết những hạn chế trong đào tạo và giải quyết việc làm thời gian vừa qua.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top